Phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn Cải cách và phát triển VRDF 2019, sáng 19/9 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại, và căng thẳng thương mại đang gia tăng.

Ông Ousmane Dione chỉ rõ, những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy. Những phát triển này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng. Mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam

Vì vậy, theo ông Ousmane Dione, mặc dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro được nêu trên.

Lĩnh vực cải cách thứ nhất mà Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam chỉ ra là: Tìm cách giải quyết một điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại, vốn quá phụ thuộc vào tích lũy nhân tố với sự đóng góp để tăng năng suất còn hạn chế. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển nhanh chóng 4.0, Việt Nam có cơ hội lớn để tăng năng suất bằng cách tiến gần hơn tới ngưỡng công nghệ toàn cầu thông qua tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng. Do đó, cần có các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Lĩnh vực cải cách thứ hai liên quan đến các thể chế thị trường. Mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước, đảm bảo cạnh tranh tích cực.

Theo nhận định của ông Ousmane Dione, một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được thiết kế tốt có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy, các ưu tiên và hành động không chỉ cần được xác định rõ ràng mà còn phải khả thi về mặt thực thi thông qua việc tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia.

“Chúng tôi muốn tập trung thảo luận về giải pháp để Việt Nam có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên các chính sách của mình và xây dựng một chương trình cải cách khả thi trong thập kỷ tới… Chúng ta hãy cởi mở, táo bạo và tham vọng, nhưng cũng cần thiết thực và cụ thể”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Vương Hằng