Ngày 25/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học”, nhiều đại biểu cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học lần này cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng để các trường đại học tự chủ hiệu quả.

Gỡ 'nút thắt' về nhân sự, tài chính trong tự chủ Đại học - Hình 1

Quang cảnh hội thảo

Đến nay, cả nước có 23 trường đại học công lập triển khai thí điểm tự chủ ở mức độ khác nhau. Đại diện nhiều trường cho biết, các cơ chế, quy định liên quan đến việc tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những hạn chế về quyền tự chủ trong việc tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chương trình đào tạo. 

Để quá trình tự chủ trong các trường đại học thời gian tới thực chất, các đại biểu cho rằng cần có chính sách mở cho các trường chủ động hơn trong việc huy động các nguồn lực xã hội, cũng như đa dạng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ. Cụ thể, các trường có thể tạo nguồn thu thông qua các hoạt động dịch vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học hoặc tận dụng lợi thế sẵn có để thực hiện các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm gia tăng nguồn thu và thu hút đầu tư từ xã hội. 

Tuy nhiên, cần có chính sách ưu đãi, nhất là về thuế để khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội. Cùng với đó, các quy định về tự chủ đại học cần có những cơ chế thoáng hơn, nâng cao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm, để các trường được linh động trong việc tuyển dụng, đánh giá, chi trả lương cho người lao động mới có thể thu hút được nhân tài. 

Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, để các trường đại học thực hiện tự chủ hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy quản lý, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cần bỏ cơ chế Bộ chủ quản. 

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung lần này cũng cần quy định ngay cả trường Đại học công lập khi tự chủ nên chia cổ phiếu cho người lao động, Nhà nước cũng chỉ quản lý 50%, để người lao động cảm nhận được mình là chủ mới nỗ lực phấn đấu. Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng tự chủ nửa vời, vẫn phải xin - cho sẽ không đạt hiệu quả. 

Cùng quan điểm, GS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong tự chủ đại học thì tự chủ nhân sự và tự chủ tài chính đang gặp phải nhiều vướng mắc.

Gỡ 'nút thắt' về nhân sự, tài chính trong tự chủ Đại học - Hình 2

GS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

GS. Mai Hồng Quỳ lấy ví dụ: “Trường tôi chỉ tiêu biên chế rất hạn hẹp, do đó trường chủ trương ưu tiên tuyển dụng với giáo viên mới viên chức, còn với nhân viên kỹ thuật là nhân viên hợp đồng nhằm tiện thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì tất cả đều tuyển dụng như nhau dẫn đến không có cơ chế để trung dụng người tài, công bằng trong sử dụng nhân lực. Tương tự, tự chủ tài chính cũng không gì các trường bình thường…”.

Trong khi đó, TS. Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Mục đích của sửa đổi luật giáo dục đại học để làm gì? Nếu sửa luật để phổ cập đại học thì không cần thiết vì theo cơ chế thị trường, vài năm nữa là người dân học, còn nếu sửa luật cho đúng thì phải bắt được bệnh chỗ nào rồi mới sửa”.

Trong giai đoạn hiện nay, học phí được xem là giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục đại học, mức thu học phí cần được tính toán dựa trên chất lượng đào tạo nhưng phải đảm bảo bù đắp đáng kể cho các chi phí hoạt động của trường đại học. 

Phân tích cụ thể hơn, GS. Phạm Phụ, Trường  Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, hiện chi phí đầu tư đào tạo mỗi sinh viên ở nước ta còn thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/sinh viên/năm, như vậy sẽ không thể đào tạo được lao động đủ sức cạnh tranh. Để nâng cao chất lượng đào tạo cần từng bước nâng mức chi phí đào tạo mỗi sinh viên lên khoảng 90% GDP/sinh viên/năm, tương đương khoảng 2.100 USD/sinh viên/năm. 

Gỡ 'nút thắt' về nhân sự, tài chính trong tự chủ Đại học - Hình 3

GS. Phạm Phụ

Theo xu thế chung, giáo dục đại học phải thực hiện theo nguyên tắc người học chủ yếu phải gánh chịu chi phí đào tạo của mình. Vì vậy, cần từng bước tăng mức học phí sao cho đóng góp của người học chiếm từ 50-55% chi phí đầu tư đào tạo của mỗi sinh viên. Nhằm thực hiện điều này, Nhà nước cần phát triển các quỹ có quy mô đủ lớn để sinh viên vay vốn cũng như thực hiện nhiều chính sách phúc lợi khác nhằm đảm bảo công bằng xã hội, không để sinh viên có đủ trình độ nhưng không theo học được vì lý do tài chính.

PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khẳng định, tài chính và nhân sự là hai vấn đề quan trọng trong tự chủ đại học.

“Vì sao đại học phải có tự chủ? Đây là vấn đề được đặt ra. Vì nơi đây mật độ các nhà tri thức rất lớn, hãy để họ tư duy để tạo ra năng lượng cho xã hội. Muốn được như vậy phải tạo môi trường thoải mái, đấy là cái gốc của vấn đề tự chủ. Sự thăng hoa của tư duy trí tuệ ở đại học cực kỳ quan trọng, nằm trong khuôn viên của trường đại học. Còn khi bước ra ngoài, đại học phải tuân theo luật pháp của Nhà nước. Do đó, cái gốc của vấn đề tự chủ nó nằm ở chỗ thăng hoa cuối cùng của mỗi thầy cô giáo, sinh viên trong trường đại học đó. Hai vấn đề tự chủ mà ta nhấn nhiều nhất là tài chính và nhân sự”, PGS.TS Phan Thanh Bình nói.

Hoan Nguyễn