Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Việc chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế như thu chi ngân sách, nợ công, lạm phát… tạo không gian để thực thi các chính sách tài khoá hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp".

Ảnh internet.
Gọi tên những mục tiêu khả thi của kinh tế Việt Nam năm 2025. Ảnh internet.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, mục tiêu 6,5-7%, phấn đấu 7,5% là khả thi nếu so sánh kết quả đạt được 2024 và triển vọng, tình hình chung thế giới và trong nước năm 2025 (cũng nằm trong dự báo sau điều chỉnh của các tổ chức vĩ mô quốc tế và trong nước).

Tiến sỹ Việt phân tích: Việc Chính phủ đặt ra kịch bản điều hành với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ hơn, lên đến 8% đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá về cơ cấu, nhất là phải có những chính sách và thể chế đồng bộ nhằm kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa không gian và động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh hay kinh tế phát thải carbon thấp.

Theo vị chuyên gia, cùng với các giải pháp về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ phát triển sản xuất, thì cần tháo gỡ khó khăn lớn nhất của khu vực doanh nghiệp trong nước chính là đầu ra thị trường cho sản phẩm "made in Vietnam", nhất là các sản phẩm định hướng tới tiêu dùng chất lượng cao hơn, tiêu dùng xanh và bền vững.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn là rất tích cực. Ổn định vĩ mô được tiếp tục duy trì, lạm phát và tỷ giá ổn định, nợ công/GDP thấp tạo dư địa tài khóa cho Chính phủ có thể tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn.

Ảnh minh họa, nguồn internet.
Gọi tên những mục tiêu khả thi của kinh tế Việt Nam năm 2025. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, ông Jonathan London, Cố vấn kinh tế của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đặt ra cho năm 2025 phản ánh sự tự tin của Chính phủ và niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh cuối năm 2024.

Tuy nhiên, mục tiêu này có khả thi hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, đặc biệt là tình hình thương mại toàn cầu và nhu cầu tổng hợp trong bối cảnh phức tạp hiện nay. “Nếu các xu hướng tích cực từ năm 2024 tiếp tục và nếu Chính phủ Việt Nam gửi đi các tín hiệu rõ ràng, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% vẫn nằm trong tầm tay”- ông Jonathan London khẳng định.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, nNăm 2025, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp.

Bên cạnh đó, Châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam - cũng mang lại cơ hội lớn. Nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân Châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại châu Âu và do đó, đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Năm 2024 có thể đạt được và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Mức tăng trưởng GDP trên 7% đảm bảo chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD-4.730 USD. Đặc biệt, theo ước tính, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động năm 2024 ước đạt 5,56%, vượt mục tiêu 4,8%-5,3% do Quốc hội giao.

PV (t/h)