Phải ứng xử văn hóa với các công trình văn hóa

PV: Nhìn ở góc độ văn hóa, ông có bình luận gì về sự việc doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất siêu dự án 1000 ha ở chùa Hương?

GS.TS Bùi Quang Thanh:

Việc các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng những “cơ ngơi” để phục vụ kinh doanh, phục vụ kinh tế… trong đó có việc “người ta” quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, khai thác giá trị văn hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt chung, tinh thần xã hội nói chung, tôi cho đây là điều bình thường.

Tuy nhiên khi quan tâm đến văn hóa thì phải tuân theo quy luật riêng của nó. Lĩnh vực văn hóa không như quy luật của kinh tế; nó không như xây dựng một cơ sở vật chất đã có. Cũng là cơ sở vật chất đã có thì nó lại gắn với đặc trưng của văn hóa, nếu đánh đồng nó với cơ sở vật chất xây dựng nói chung thì tôi cho rằng đó là nhầm.

Văn hóa là gì? Văn hóa là nơi mà con người qua quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội, thể hiện quan điểm nhân sinh của họ, giữa con người với con người, họ thể hiện quan điểm của họ đối với vũ trụ, thế giới quan. Thông qua các hành vi thực hành tín ngưỡng để họ thể hiện niềm tin quan điểm của họ về thế giới khách quan, vũ trụ, trời đất, con người. đặc biết con người thể hiện với các bậc tiền nhân đã khuất. Giá trị văn hóa ấy nó phải chi phối được ngược lại những ý tưởng mà anh (các doanh nghiệp - PV) định khai thác để phục vụ đời sống tinh thần.

Như thế anh không thể khai thác một cách ba vạ được, anh phải xác định được giá trị văn hóa, bảo tồn được giá trị đấy, nếu khai thác mà làm tan rã là phản tác dụng. Nếu bất chấp bản sắc văn hóa, đặc trưng văn hóa để phục vụ cho lợi nhuận thì đấy là ứng xử thiếu văn hóa.

Khái niệm văn hóa là phải ứng xử phù hợp, ứng xử với tự nhiên, xã hội con người với nhau, và lực lượng vô hình đó là các tiền nhân đã khuất.

GS, TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn học nghệ thuật Quốc gia: Không nên tạo công trình hoành tráng nhưng vênh với văn hóa bản địa - Hình 1

GS TS Bùi Quang Thanh

Uốn dòng chảy suối Yến là phi văn hóa

PV: Doanh nghiệp (DN) Xuân Trường đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn có nội dung  nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và đặc biệt báo chí thông tin sẽ đào bới để suối Yến chảy về Hà Nam hình thành tua du lịch sông nước mới. Theo ông cách làm này có phù hợp?

GS.TS Bùi Quang Thanh: Tôi có quan điểm về vấn đề này như sau:

Thứ nhất là tôn tạo và tu bổ di tích cũ như thế nào, định phá đi để làm to hơn là không nên nếu nó làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống.

Thứ hai, tôi cho rằng phương án chủ đầu tư Xuân Trường đưa ra là không hợp lý. Chùa Hương đã có sự gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian bản địa với phật giáo, nó đã có sự hài hòa. Tín ngưỡng dân gian bản địa chính là cái gốc Việt – Mường ở đó. Phật giáo, Đạo giáo là ngoại lai khi vào Việt Nam đầu Công Nguyên thì phải bám vào tín ngưỡng để lan ra các địa phương. Cộng đồng Việt Nam rất thông minh và khôn khéo, có nghĩa là rất hòa, dung dị khi trải qua những va đập giữa tín ngưỡng và tôn giáo.

Nếu Xuân Trường xây một cái tháp phật Xá Lị to như thế là đề cao Phật giáo và không quan tâm đến tín ngưỡng. Nhìn trên bình diện khu vực Hương Tích nó đã có sự cân đối hài hòa hàng trăm năm nay để đáp ứng nhu cầu tâm linh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng người dân các dân tộc. Nếu Xuân Trường tôn tạo một công trình Phật giáo hoành tráng thì tạo ra độ vênh với tín ngưỡng bản địa. Độ vênh đó dễ dẫn đến một suy luận, khi khác du lịch quốc tế đến sẽ đánh giá rằng Phật giáo ở đây được đề cao hơn. Như vậy là va chạm đến lòng tự trọng của người dân bản địa, vi phạm đến tín ngưỡng của cộng đồng người dân. Tất nhiên người dân sẽ có những phản ứng.

Liên quan tới Suối Yến: Nếu hiện đại hóa, hoành tráng hóa môi trường sinh thái lên, điều đó là không nên.

Một là, làm phá vỡ cảnh quan đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, gắn với cảnh quan không gian văn hóa tín ngưỡng, mà đó là không gian văn hóa thiêng. Vì vậy chắc chắn có sự tác động đến nhận thức của người dân và người dân sẽ không đồng tình. Người dân sẽ cảm thấy tâm linh bị vi phạm.

Hai là, suối Yến không đơn thuần là con suối để chứa nước, nhìn nhận dưới góc độ phong thủy học thì lâu nay trong tiềm thức của người dân, người ta coi đây là một long mạch linh thiêng. Về mặt tâm linh bao đời nay người dân tin như thế, nếu làm như thế sẽ tác động đến môi sinh văn hóa, sinh kế ở đây và quyền chủ sở hữu cộng đồng đã bị ảnh hưởng. Người dân là chủ thể văn hóa sáng tạo văn hóa, bảo vệ văn hóa. Nếu lấy sức mạnh của đồng tiền, lấy các thế lực khác…tác động vào để thay đổi toàn bộ bộ mặt cảnh đi là thay đổi văn hóa.

Quản lý đầu tư phải theo Luật Di sản, nhiều bộ ngành phải vào cuộc

PV: Được biết, tập thể UBND TP Hà Nội đã tiếp nhận đề xuất và giao nhiệm vụ cho các sở ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp làm các bước tiếp theo, theo ông quy trình xử lý đề xuất nên như thế nào?

GS.TS Bùi Quang Thanh: Liên quan tới sự quản lý của chính quyền: Tạm gọi đề án của Xuân Trường là đề án, để xây dựng đề án cần có mấy căn cứ về khoa học, thực tiễn, pháp lý. Đương nhiên khi xây dựng đề án này không chỉ có một Bộ, và Bộ chưa chắc đã phê duyệt nổi vì còn dưa trên tín ngưỡng. Thủ tướng phê duyệt cũng không phải trên ý kiến của một Bộ, còn có Bộ văn hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính… Rồi liên quan đến chính quyền địa phương, UBND TP Hà Nội, UBND cấp huyện, xã rồi ý kiến của cộng đồng phạm vị hẹp, phạm vi rộng đến đâu.

Trước khi Xuân Trường đề xuất đề án này thì Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể, Thủ tướng đã phê duyệt, cần xem có phù hợp hay không. Trên cơ sở Thủ tướng phê duyệt không phải chỉ có một DN Xuân Trường mà còn rất nhiều DN khác đã có quy hoạch như thế hoặc khác mà đã được phê duyệt. Quy hoạch đề án chồng đề án, đó là điều tối kỵ, tôi cho rằng đó là bất hợp lý và sinh ra mâu thuẫn, nếu được của Xuân Trường thì sẽ thiệt hại cho các DN khác, tạo ra xung khắc trong hệ thống DN đang kinh doanh.

Nhiều DN khác muốn đầu tư vào đó sẽ sợ không dám đầu tư nữa. Vừa phê duyệt cho anh A lại phê duyệt cho anh B, thế thì anh C đang định đầu tư phải dừng lại. Trong khi quan điểm của Thủ tướng là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, làm sao để đáp ứng đầu tư để phát triển kinh tế, văn hóa, nhưng phù hợp với pháp luật và phù hợp với đời sống thực tiễn của cộng đồng Việt Nam.

Không nên phá vỡ cảnh quan và các yếu tố văn hóa vật thể

PV: Nếu như ông nói, nên chăng cần phải lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để trình lãnh đạo các cấp trước khi cấp phép cho DN  Xuân Trường triển khai dự án này?

GS.TS Bùi Quang Thanh:

Theo tôi, nên lấy ý kiến cộng đồng. Không nên lấy sức mạnh đơn thuần một phía dưới góc độ quản lý nhà nước để địa phương ép người dân phải làm theo.

Tâm linh liên quan tới cả cộng đồng, cho nên phải có một cuộc điều tra xã hội học. Có thể đưa lên mạng xã hội hay các cuộc khảo sát ở địa phương, trong giới khoa học xem cộng đồng dân cư hay các nhà khoa học có đồng ý với phương án phá cảnh quan cũ đi, làm một cái mới hoành tráng hơn lên không.

PV: Khu Tam Chúc chưa xây dựng xong nhưng đã có nhiều tiếng xấu. Người dân phản ánh, ngôi chùa to, đẹp như thế, vị thế như vậy, tại sao chủ DN Xuân Trường lại đưa ảnh và bàn thờ vợ ông ta vào trong, gây phản cảm, giảm linh cho chùa? Ý kiến ông về điều này thế nào?

GS.TS Bùi Quang Thanh:

Nếu cơ ngơi là sở hữu của riêng cá nhân thì mới đưa vào thờ. Còn Tam Chúc là không gian thiêng mang tính cộng đồng. Ông đưa vợ vào đó là không phù hợp, không nên. Lúc đang xây dựng tôi có đến, ngay tầng một ở tủ thờ đã có thờ bà Phạm Thị Lan. Như vậy là không nên nhất là trong bối cảnh theo thông tin từ doanh nghiệp Xuân Trường, dự án chùa Tam Chúc sẽ được doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với du khách trong nước  và quốc tế vào năm 2019, đồng thời cũng sẽ khánh thành giai đoạn 1 và là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Veskas 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới) tổ chức vào tháng 5-2019. Doanh nghiệp đang xây dựng hồ sơ để đưa quần thể du lịch Tam Chúc là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2028. Nếu phấn đấu thành di sản tầm vóc thế giới thì không nên đưa những chuyện cá nhân như vậy vào.

Theo congluan.vn