Măt nước nổi bọt, bốc mùi hôi thối
Theo phản ánh của người dân thôn Chợ Lương, xã Yên Bắc, khoảng 10 ngày nay khi trạm bơm Chợ Lương, xã Yên Bắc hoạt động với dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối kéo theo những tảng bọt trắng xóa như tuyết, ùn ùn đổ ra kênh A48. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nhiều nhà đã phải đưa trẻ em và người già đi nơi khác, tối ngủ phải đeo khẩu trang.
Theo ông Trần Văn Trường, người dân thôn Chợ Lương, nhà cạnh trạm bơm cho biết: Nhiều khi bọt dâng cao tràn lên cả mặt đường, bay vào nhà, thậm chí đóng cửa kín mùi còn sộc đầy nhà. Mùi nước bốc lên tanh nồng, rất khó chịu, người lớn hít thở còn thấy tức lồng ngực huống gì trẻ con. Mong các cấp các ngành cần sớm có biện pháp khắc phục.
Ông Trường rất lo lắng cho sức khỏe cả gia đình khi sống cạnh "dòng sông tuyết"
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 3/1, trạm bơm này vẫn hoạt động để đảm bảo nguồn nước phục vụ đổ ải, làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ đông xuân, nước đen ngòm từ các cống bơm đổ ra bốc mùi khó chịu, kéo theo đó là những bãi bọt trắng xóa nhưng đầy vẩn đen bẩn phía trên trôi theo dòng nước, biến con kênh A48 thành một "dòng sông tuyết" chạy dọc thôn chợ Lương.
Lý giải về điều này, ông Lương Văn Khương, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Duy Tiên cho biết: “Bọt là hiện tượng vật lý, tuy nhiên khi nước sạch thì bọt trắng, còn bọt này đen, nổi lên các vẩn bẩn”.
Nhiều gia đình phải căng bạt ngăn bọt vào nhà
Tình trạng ô nhiễm sông Châu Giang đã kéo dài nhiều năm qua, nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối. Không chỉ có người dân thôn Chợ Lương bị ảnh hưởng, mà người dân dọc 2 bên bờ sông Châu Giang cũng bị ảnh hưởng từ nhiều năm.
Ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã Yên Bắc (Duy Tiên) cho biết: “Mùa vụ bắt buộc phải lấy nước phục vụ sản xuất, toàn xã có 500ha đất sản xuất. Nhìn mắt thường cũng thấy nước không đảm bảo, còn ô nhiễm mức độ như thế nào thì phải theo đánh giá của cơ quan chuyên môn. Để khắc phục tình trạng này, cần phải giải quyết từ đầu nguồn nước”.
Trạm bơm Chợ Lương nước đen ngòm
Theo ông Kiều Việt Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Duy Tiên: Trên cơ sở lịch gieo cấy của huyện, nguồn nước hàng nhiều năm nay, đặc biệt vào cuối năm khi đổ ải nguồn nước trên dòng sông Châu Giang cạn kiệt, mùa này nước sông Hồng xuống rất thấp không lấy được nên chủ yếu lấy nước từ sông Nhuệ để phục vụ sản xuất, không có sự lựa chọn khác. Nếu không bơm thì không kịp thời vụ làm mạ. Sông Châu Giang bắt nguồn từ sông Nhuệ. Trạm bơm Chợ Lương lưu vực phục vụ 1.140 ha đất sản xuất nông nghiệp, ngoài ra, trạm bơm còn phục vụ thêm cho 6 xã vùng sông Hồng với khoảng 730 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Trạm bơm Chợ Lương có 6 tổ hợp máy bơm, công suất mỗi tổ máy 4000m3/giờ. Hiện tại, có 4 máy chạy, đạt 60-65 % công suất máy. Trước khi bơm, địa phương cũng đã có thông báo để người dân nắm bắt được lịch bơm cũng như khuyến cáo tới người dân cần hạn chế sử dụng nguồn nước này để tưới rau và hoa màu nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.
Các kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm
Ông Lương Văn Khương, cho biết: "Sông Châu Giang bắt nguồn từ sông Nhuệ chảy vào. Chiều dài sông Châu Giang qua địa bàn Duy Tiên khoảng 10 km. Tại thời điểm này, Duy Tiên phải bơm nước phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân 2018, phục vụ 2/3 đất nông nghiệp của huyện. Nguồn nước sông Nhuệ, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, hàm lượng amoni đều vượt mức cho phép. Trên địa bàn Duy Tiên, không có nhà máy hay cơ sở sản xuất nào xả thải ra sông Châu Giang, mà do toàn bộ nguồn thải từ sông Nhuệ chảy xuống.
Nếu huyện Duy Tiên không bơm nên thì không có nguồn nước nào phục vụ sản xuất. Mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, hệ thống sinh vật, hệ thống kênh mương cá chết, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, cây cối hoa màu, môi trường không khí; khi bơm nên, ảnh hưởng phạm vi rất rộng.
Nhằm hạn chế thấp nhất ô nhiễm tác động đến môi trường và đời sống bà con, địa phương đã lấy nước hạn chế để phục vụ làm mạ và đổ ải, chứ chưa lấy đại trà, đồng thời tuyên truyền cho bà con ngăn chặn và bảo vệ tài sản của mình ở các khu nuôi trồng thủy sản và các ao khu dân cư có biện pháp ngăn chặn và chắn nguồn nước ô nhiễm vào".
Cũng theo ông Khương: “Vấn đề ô nhiễm này có từ lâu rồi, UBND huyện Duy Tiên cũng đã nhiều lần kiến nghị với các đại biểu Quốc hội qua các đợt về tiếp xúc cử chi, qua các văn bản gửi các cơ quan chức năng, nhưng tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ vẫn chưa được cải thiện”.
Ngô Tỉnh