Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam, do nguồn nước ngầm bị nhiễm asen nặng, trong đó có những xã nước ngầm có hàm lượng asen vượt hơn 300 lần cho phép. Tại các nhà máy nước của 6 xã khu C và 4 xã khu B huyện Bình Lục, công tác sản xuất, quản lý vận hành, cung cấp nước gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nước sông Châu Giang, sông Sắt bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi của nhân dân trong vùng. Đặc biệt là 2 xã Ngọc Lũ và Hưng Công, do đó việc đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân sử dụng luôn được quan tâm. 

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung quản lý toàn diện từ thiết kế kỹ thuật, quy trình vận hành sản xuất nước và công tác kiểm định nguồn nước. Trước khi triển khai đầu tư, hệ thống xử lý nước sinh hoạt phải được thiết kế đảm bảo phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn; quy trình vận hành, xử lý đúng thiết kế. 

Hà Nam: Nâng cao chất lượng nước sạch để đáp ứng nhu cầu người dân - Hình 1

Việc đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân sử dụng luôn được quan tâm (ảnh minh họa)

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, các ngành và địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước.

Ghi nhận tại Nhà máy nước sạch xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tuy mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm, với công suất 4.500m3/ngày đêm, nhà máy này đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch bấy lâu nay cho 5 xã trong vùng.

Hà Nam: Nâng cao chất lượng nước sạch để đáp ứng nhu cầu người dân - Hình 2

Nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như đảm bảo được chất lượng nước cho người dân, công tác quản lý, vận hành tại Nhà máy nước sạch xã Đồng Du luôn được quan tâm.

Ông Trần Quang Chiến, một người dân trong xã cho biết, nhiều năm nay, chúng tôi dùng nước giếng khoan, tuy đã được lọc nhưng vẫn không yên tâm nên chỉ dùng để tắm rửa. Nhiều gia đình phải xây bể chứa nước mưa để ăn uống nhưng vào mùa khô phải sử dụng rất tiết kiệm mới đủ dùng. Giờ đây, có nhà máy nước người dân chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm sử dụng.

Tại xã An Lão, một trong những xã có nguồn nước nhiễm asen nặng trên địa bàn huyện Bình Lục, vào đầu năm 2015 nhà máy nước sạch đã đi vào hoạt động khiến người dân nơi đây vô cùng vui mừng vì đã có nước máy để sinh hoạt. Đây là nhà máy nước sạch có tổng kinh phí khoảng 32 tỷ đồng, có công suất 2.400 m3/ngày đêm, phục vụ hơn 13.000 nhân khẩu ở 11 thôn của xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam) cho biết, Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ (Chương trình PforR), trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng cải thiện đời sống dân sinh và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 92%, có 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) và 63% có chuồng trại chăn nuôi HVS, gần 88% trường học có nhà tiêu và nước sạch HVS, Tỷ lệ trạm y tế có nhà tiêu và nước sạch HVS là 92%. 

Hà Nam: Nâng cao chất lượng nước sạch để đáp ứng nhu cầu người dân - Hình 3

Nhà máy nước sạch xã Đồng Du, huyện Bình Lục

Ông Thành cũng cho biết, hiện nay các dự án cấp nước sạch tập trung nông thôn  đang tiếp tục phát triển đấu nối với các dự án đã hoàn thành, trong đó có 10 dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới. Đã hoàn thành 2 dự án thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMT. Đồng thời chuẩn bị đầu tư các dự án cấp nước sạch tại huyện Lý Nhân và Thanh Liêm.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được thì hiện nay, nhiều vấn đề đang được các cấp chính quyền quan tâm, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở mức báo động. Vì vậy thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung và xử lý môi trường, đây là việc hết sức cần thiết. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nhằm giúp người dân tiếp cận với dịch vụ tốt nhất, chất lượng nhất nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. 

Theo đánh giá của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nam, hiện nay nhận thức thức về sử dụng nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường của nhiều hộ dân vẫn còn hạn chế. Tình trạng nhiều hộ lắp đồng hồ nước nhưng không phát sinh hóa đơn sử dụng nước, có tình trạng nhiều hộ lắp đồng hồ trong tình trạng “chờ” gần 2 năm liền, bể chứa, đường ống không được vệ sinh, đến lúc sử dụng lại không lau rửa nên xảy ra tình trạng vẩn đục. 

Chính vì vậy, để chủ trương cải thiện chất lượng nước và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu đạt hiệu quả cao, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp chính quyền cơ sở. Trong đó, công tác truyền thông giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống là một mắt xích quan trọng gắn kết và nâng cao trách nhiệm cộng đồng để các chương trình mục tiêu mới thực sự phát huy được hiệu quả cao và đem lại ý nghĩa thực sự.

CHU LƯƠNG (Dân Sinh)