Nhiều đoạn bê tông xuống cấp nghiêm trọng
Hệ thống đê Hà Nam có tổng chiều dài 362,98 km. Trong đó, đê hữu sông Hồng dài 38,973 km, đê tả sông Đáy dài 49,516 km, sông con, đê bối và các tuyến đê phụ khác dài 274,5 km. Toàn tuyến đê hữu sông Hồng có 30,371 km mặt đê bê tông, thì có tới 22,980 km bị xuống cấp.
Cụ thể, tại huyện Duy Tiên có 3,780 km bê tông và 1,270 km nhựa asphalt mặt đê bị xuống cấp; tại huyện Lý Nhân có 17,930 km bê tông mặt đê bị xuống cấp, trong đó, hơn 10 km xuống cấp trầm trọng. Đê tả Đáy dài 49,516 km, dải nhựa asphalt được 9,817 km, đổ bê tông được 15,728 km, nhiều đoạn bê tông mặt đê cũng vỡ nát, xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyến đê tả sông Đáy qua huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm; đê hữu sông Hồng qua huyện Duy Tiên và Lý Nhân đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Các tảng bê tông bị cày nát, đứt gãy nằm ngổn ngang, dựng ngược giữa đường. Mặt đê nham nhở, nhiều chỗ bị sụt lún, lồi lõm tạo thành các ổ voi, ổ gà trải dài toàn tuyến.
Mặt đê qua địa phận huyện Lý Nhân, nham nhở, các mảng bê tông vỡ nát, nhiều chỗ bị sụt lún nghiêm trọng
Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đình Thuấn cho biết: Tuyến đê Hà Nam có hơn 90 km đê cấp I-IV. Đê hữu sông Hồng trước đây đổ bê tông làm từ những năm 2005, 2007, ngày xưa tiền ít, bê tông dày có 20 cm, chỉ đổ phần mặt, không xử lý phần nền, đê đất từ ngày xưa nên nền yếu, khiến đường bê tông vỡ nát hầu như 2/3, rất khó đi, cản trở xe lưu thông đi lại. Mặt đê làm lớn làm hiện đại để đảm bảo lâu dài thì không làm được. Năm nay, được cấp 5 tỷ đồng/5 km để sửa chữa mặt đê sông Hồng. Nguồn vốn duy tu, sửa chữa hằng năm trên toàn hệ thống đê Hà Nam là 10 tỷ.
Ông Thuấn cũng cho biết: Do nguồn kinh phí có hạn nên mỗi năm chỉ tu sửa được 1-2 km mặt đê. Đã báo cáo tỉnh, đề xuất với Bộ nông nghiệp cho bóc bỏ những phần bê tông vỡ nát đi, giải lại cấp phối. Toàn bộ hệ thống đê có biển báo hạn chế tải trọng 12 tấn.
Tuy nhiên, trái ngược với điều này, Thiếu tá Phạm Ngọc Hưng, Đội trưởng Đội CSGT huyện Lý Nhân cho biết: Biển hạn chế tải trọng đầu cắm, đầu thì không, cắm đầu xã Nhân Đạo, còn đường nhánh từ xã lên đê không có biển cắm, gây khó khăn trong việc xử lý xe vi phạm. Từ lâu, đường đê đã xuống cấp như vậy, đê nhiều năm không được đầu tư sửa chữa.
Theo ông Thuấn, xe tải trọng lớn vận chuyển đi trên đê là nguyên nhân chủ yếu gây hỏng mặt đê. Nhưng do lực lượng mỏng, có 2 hạt quản lý đê sông hồng, 3 hạt quản lý đê sông Đáy, mỗi hạt chỉ có 2-3 người. Lực lượng cũng không có quyền hạn chặn xe vượt tải trọng trên đường đê. Chưa tìm ra giải pháp, cấm triệt để không cấm được.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Minh Tân cho biết: Thực trạng hệ thống đê Tả Đáy qua huyện Kim Bảng xuống cấp nghiêm trọng, do xe tải đi nhiều quá tải.
"Nguồn vốn duy tu năm nay được 15 tỷ"...
Ông Tân cho biết: Nguồn vốn ít nhưng phải làm rất nhiều, phải vài trăm tỷ mới đủ; 10 tỷ chỉ sửa nhỏ như phát quang mái đê, rải cấp phối mặt đê, cải tạo sửa chữa dốc lên đê, gia cố đường hành lang, khoan phụt vữa vào thân đê…, chứ không riêng gì trên mặt đê. Nguồn vốn duy tu năm nay được 15 tỷ.
Theo báo cáo tổng kết công tác PCTT & TKCN năm 2017, công tác tu bổ, nâng cấp trên hai tuyến đê sông lớn gồm rải cấp phối mặt đê, sửa chữa khắc phục bê tông mặt đê bị vỡ, sụt lún; gia cố mặt đê bằng bê tông asphalt… với tổng khối lượng 6.018 m3 đất đá các loại, 405 m3 bê tông nhựa, 24.504 mks khoan phụt vữa, với tổng kinh phí 10 tỷ đồng.
Tiền tỷ trôi theo hệ thống đê xuống cấp...
Mặc dù, số tiền duy tu, sửa chữa đê hàng năm lên đến 10 tỷ đồng, nhưng nhà đền Lảnh Giang, tại xã Mộc Nam vẫn phải tự bỏ kinh phí ra mua đá cấp phối để cải tạo đường, lấp những ổ gà, ổ voi trên đê, để người dân đi lại bớt khó khăn.
Ông Lương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam (Duy Tiên) cho biết: Đê chạy qua địa bàn xã dài hơn 3 km, đều đã xuống cấp, đường đê xấu ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trên tuyến đê. Hằng năm, có thấy sửa chữa đơn giản như khoan phụt chống mối trong thân đê, còn mặt đê nhà nước mấy năm nay không thấy sửa. Địa phương có di tích đền Lảnh Giang, cho nên địa phương và nhà đền tạm thời tự bỏ kinh phí ra mua đá cấp phối để đảm bảo cho khách thập phương về được thuận tiện.
Theo ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc (Duy Tiên): Trên địa bàn xã, có hơn 3 km đê chạy qua đang xuống cấp, do từng khu vực khác nhau, chất lượng làm đường kém và xe tải chạy. Việc tu bổ hàng năm có nhưng không được bao nhiêu.
Kinh phí duy tu, sửa chữa hằng năm lên tới chục tỷ đồng, nhưng không giải quyết triệt để và hiệu quả, khiến hệ thống mặt đê Hà Nam xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mất an toàn trong mùa mưa bão. Sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý đê điều, khiến dư luận càng thêm hoài nghi, lo lắng khi mùa mưa bão đang đến gần.
Ngô Tỉnh