Hoài nghi về công tác xử lý xe quá tải, quá khổ liệu có sự lỏng lẻo?
Theo ông Nguyễn Thanh Vân - Trưởng phòng kết cấu hạ tầng Sở giao thông tỉnh Hà Nam: “Đúng hiện nay, đoạn đường đó đang hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, tôi khẳng định đoạn đường đó hỏng nhiều năm nay là không đúng vì năm 2015 đoạn đường đó đã có dự án sửa chữa. Chúng tôi vẫn thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa nhỏ, hỏng đến đâu vá sửa đến đó. Trong năm 2017 Sở giao thông cũng chỉ đạo vá, sửa đoạn đường đó 2 lần”.
Xe hạng nặng chạy suốt ngày đêm là một trong những nguyên nhân khiến đường xuống cấp
Theo quyết định số 2909 của Tổng cục đường bộ Việt Nam (ngày 21/11/2014), quyết định về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Sửa chữa mặt đường các đoạn KM4+700 - Km46+700; Km51+200 - Km53+700, Km54+150 - Km54+800; Km55+300 - Km56+00; Km57+00 - Km57+500, Quốc lộ 21B (Hà Nam). Với tổng mức vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, phóng viên đặt câu hỏi về việc sau khi sửa xong hơn 3 năm đường lại tiếp tục xuống cấp. Ông Vân lý giải về tình trạng đường sửa xong lại hỏng: Do điều kiện khai thác hoàn toàn khác nhau, từ ngã tư Biên Hòa lên đến khu vực giáp với chợ Dầu, theo như chúng tôi theo dõi hàng ngày xe quá tải chạy kinh khủng. Đặc biệt từ khi có việc thu phí quốc lộ 1, xe tải chạy ở đoạn đường trên tăng rất nhiều. Đường quốc lộ khu vực đó có 1 làn đường xe tải chạy qua nhiều gây tắc đường.
Kinh phí bảo dưỡng thường xuyên của quốc lộ rất thấp, trung bình 25 triệu đồng/km/năm. Với tình trạng các tuyến đã xây dựng lâu năm như tuyến QL21B, tuổi thọ quá thời gian phục vụ đã xuống cấp thì kinh phí như thế không thể làm được, không thể đáp ứng việc giữ gìn cho đường không hỏng. Bên cạnh đó, công tác bảo dưỡng thường xuyên còn bao gồm nhiều hạng mục.
Ông Vân cũng cho biết: “Ngay cửa UBND xã Tân Sơn vừa rồi láng nhựa 2 lần. Về quy trình quản lý mặt đường láng nhựa làm xong phải bảo dưỡng trong vòng 15 ngày và tốc độ xe chạy dưới 20km, thế nhưng khi đường vừa làm xong xe chạy ngay, chính vì điều kiện như thế nên tuổi thọ các hạng mục không đạt như mong muốn. Có thời điểm xe tải chạy nối đuôi nhau tắc đường.”
Theo quyết định số 1567 của Tổng cục đường bộ Việt Nam (ngày 03/05/2017), về phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình: Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, gia cố lề và bổ sung hệ thống thoát nước đoạn Km41+500 - Km58+500, Quốc lộ 21B (Hà Nam). Với tổng mức vốn đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Ông Vân cho biết thêm: Bắt đầu từ năm 2017, triển khai sửa chữa lại, hiện nay đang thực hiện chưa hoàn thành, dự kiến thời gian hoàn thành trong năm 2018.
Theo ông Trần Tuấn Anh - Phó phòng kinh tế hạ tầng huyện Kim Bảng (Hà Nam): QL 21B đi qua địa phận Kim Bảng dài 11,8 km; đi qua các xã Tượng Lĩnh, tính từ trên chợ Dầu xã Tân Sơn, xã Thụy Lôi, xã Ngọc Sơn và Thị trấn Quế. Hiện trạng trước kia, đường cũ là từ 3,5m đến 4m mặt và từ 5,5m đến 6m nền. Vừa rồi thực hiện quyết định 1567 (ngày 3/5/2017) của Tổng cục đường bộ, huyện đã tiến hành bàn giao mặt bằng để sửa chữa và mở rộng một số vị trí. Đến cuối tháng 9/2017 thì bàn giao xong mặt bằng của cả 5 xã cho chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay tiến độ thi công của con đường này còn chậm. Cấp huyện chỉ quản lý đường huyện, đường thôn xóm, đường đô thị. Nhu cầu sửa chữa là rất cần thiết, về tình trạng xuống cấp nhiều lần phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với hội đồng nhân dân các cấp.
Trước năm 2017, đoạn 21B một số vị trí đã được xử trí, sửa chữa cục bộ. Còn huyện chỉ quản lý địa bàn và tiếp nhận sau khi sửa chữa họ bàn giao mặt bằng cho địa phương, sau khi đường bàn giao thì chính quyền địa phương có công tác tuyên truyền cho nhân dân đi lại đảm bảo an toàn giao thông. Còn việc quản lý Nhà nước thì thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng, Chỉ thị 26 Tỉnh ủy và kế hoạch 655 của Sở giao thông thì năm ngoái tầm khoảng tháng 5 - 6 năm 2017, huyện đã chỉ đạo phòng kinh tế hạ tầng, Công an huyện phối hợp với địa phương rà soát yêu cầu các chủ mỏ, các đơn vị vận tải ký cam kết không bốc xếp, không vận chuyển hàng quá khổ quá tải.
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết: Xe có thể là từ Tân Sơn ra, có thể là từ Tượng Lĩnh ra thì đường ấy là đường độc đạo từ khu mỏ ra ngoài. Mỏ thì tập trung ở Tân Sơn, Tượng Lĩnh, Thanh Sơn. Quốc lộ 21B này thì xe từ Tân Sơn, Tượng Lĩnh ra nhiều. Khai thác chế biến đá có 29 doanh nghiệp, có những doanh nghiệp đăng ký ở đây nhưng họ lại khai thác ở chỗ khác. Về kết cấu hạ tầng thì phòng tham mưu qua hội nghị, cuộc họp hoặc bằng văn bản để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Công tác duy tu bảo dưỡng cần phải thường xuyên, trách nhiệm này phải đề nghị Sở giao thông. Khi mà có mặt bằng là mình bàn giao ngay nhưng tiến độ vẫn chậm mà không biết nguyên nhân từ đâu. Đã vượt quá tiến độ chưa thì không dám khẳng định.
Lực lượng chức năng kêu khó
Theo Đội trưởng đội 2 Phòng CSGT tỉnh Hà Nam - Nguyễn Văn Chiến: Đường đấy là đường quốc lộ nhưng nhỏ như đường nội tỉnh, như đường nông thôn và cần phải nâng cấp đường lên. Hai xe tránh nhau còn trật, thế nhưng bây giờ cũng đang có phương án mở rộng ra hai bên. Tuyến đường đấy bao năm có kinh phí để sửa chữa chỗ đấy đâu. Ở đấy có một vài xe trốn tránh, xe cơi nới chui thôi, còn cơ bản là các xe chấp hành, các xe không che bạt bị xử lý hết. Các xe trọng tải lớn thì thường ở huyện Thanh Liêm chạy lên, ở huyện Kim Bảng chạy ra.
Đội trưởng đội 1 Phòng CSGT tỉnh Hà Nam - Phạm Minh Trường, cho biết thêm: Đặc thù Hà Nam là điểm trung chuyển, các xe chở nguyên vật liệu rất nhiều. Nhận được phản ánh, lực lượng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, quyết liệt xử lý các xe vi phạm.
Quốc lộ 21B, đoạn qua chợ Tân Sơn xuống cấp
Theo ông Lại Xuân Đoàn - Phó chánh thanh tra sở giao thông tỉnh Hà Nam: Đợt đảm bảo an toàn giao thông đã chỉ đạo 1 tổ, có kiểm tra xử lý 1 số trường hợp trên đó, ví dụ xe che phủ bạt nhưng rơi vãi, cơi nới kích thước thành thùng. Còn tập trung vào các đầu nguồn hàng cảng bến mỏ hiện nay rất chặt chẽ, hằng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra.
Trong quý I năm 2018, thanh tra Sở giao thông Hà Nam đã lập biên bản xử phạt 132 trường hợp vi phạm hành chính. Trong đó, 67 trường hợp vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, 7 trường hợp vi phạm quy định về điều kiên của phương tiện tham gia giao thông, 58 trường hợp vi phạm về vận tải đường bộ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 31 trường hợp và tước 3 giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn. Thu nộp ngân sách nhà nước 1.365,7 triệu đồng.
Ông Đoàn cũng cho biết: Lực lượng thanh tra giao thông chỉ áp dụng trường hợp đặc biệt theo điều 86 của Luật giao thông đường bộ, những trường hợp cấp thiết, hoặc những trường hợp phát hiện xe vi phạm thì dừng xe trên đường chứ không được phép chốt kiểm tra trên đường như các lực lượng khác. Khó khăn khi lực lượng không phải chốt kiểm tra trên đường, trong quá trình tuần tra phát hiện xe vi phạm chỉ cần dừng 1 xe kiểm tra là tất cả các xe khác không hoạt động. Lực lượng mỏng dàn trải trên toàn địa bàn. Các khu đầu nguồn hàng, mỏ, bến cảng, các nhà máy sản xuất trải dài, khi đặt cân đường này thì các xe tìm đường khác vòng tránh, lực lượng có 1 tổ công tác nên khó kiểm tra được trên toàn diện. Các mỏ đều kí cam kết về chở đúng khổ đúng tải. Riêng lực lượng thanh tra để lấy được giấy tờ xe, triển khai cân được rất khó khăn, không như các lực lượng khác họ có đủ sức mạnh. Khi lực lượng thanh tra đơn độc làm rất vất vả, có những trường hợp đấu tranh mấy tiếng đồng hồ, hoặc nửa ngày.
Tổ trưởng tổ vận tải của Thanh tra sở giao thông Hà Nam - Trần Văn Hải chia sẻ: Xe từ các mỏ trong khu vực đấy khi thấy lực lượng lên thì các xe ở trong mỏ không ra. Lực lượng chỉ có thể kiểm soát ngoài mỏ còn nếu vào trong mỏ thì phải có kế hoạch kiểm tra. Lực lượng tập trung vấn đề bốc xếp hàng hóa vào cảng bến mỏ chủ đạo, tại nơi xuất phát hoặc tuyến đường gần cảng bến mỏ. Xử lý các xe đi quá tải hiện trường thường rất lâu vì lý do là họ không hợp tác. Các xe thường “đánh đu” với lực lượng với lý do giấy tờ không đủ, không đem đi nên khó xử lý.
Đoạn Tân Sơn lực lượng thường xuyên kiểm tra, nhưng nhiều khi lực lượng có mặt ở đấy thì phương tiện lại vắng còn không ở đấy phương tiện lại nhiều lên. Vì nếu lực lượng đi đến hiện trường là có người đi theo dõi luôn. Nhiều khi các chủ mỏ họ còn thuê xe ôm trông lực lượng. Người thì ít công việc dàn trải, nhiều, tổ vận tải chỉ có 4-5 người để kiểm soát quá khổ quá tải đường bộ. Có những hôm làm thông trưa.
Trước thực tế, đường Quốc lộ 21B đoạn qua chợ Tân Sơn, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) bị xuống cấp nghiêm trọng; các xe trọng tải lớn hoạt động với tần suất cao, chưa kể xe quá khổ, quá tải; sự kêu khó của lực lượng chức năng; sự thiếu phối hợp, đồng bộ trong công tác xử lý, dư luận đang đặt ra câu hỏi đường xuống cấp bao giờ được sửa xong, công tác xử lý xe quá tải, quá khổ ở đây liệu có sự lỏng lẻo?
Ngô Tỉnh