Người tiêu dùng đang là đối tượng trực tiếp bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả. Trước hết là về mặt kinh tế, chất lượng hàng hóa không tương xứng với số tiền mà người tiêu dùng chi trả. Nguy hiểm hơn, hàng hóa kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng như: dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống…
Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất., kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.
Để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả.
Trước khi mua một sản phẩm nào đó, bạn cần tìm hiểu kỹ các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả. Khách hàng nên mua sắm tại những địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy, có xuất xứ rõ ràng. Khi mua hàng, người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa hoặc chỉ mua khi có tem chống hàng giả với một số mặt hàng đặc biệt.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội mà trước hết là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân.
Hà Trần