Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về công tác triển khai Quyết định 24/QĐ-BGTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn thành phố.
Tại báo cáo, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, có 7 đơn vị được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm: Công ty cổ phần hợp tác đầu tư và phát triển; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang; Công ty cổ phân vận tải 57 Hà Nội; Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh; Công ty cổ phần Phát triển thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao; Công ty TNHH GrabTaxi; Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Đề xuất quản Uber, Grab bình đẳng như taxi truyền thống
Về số lượng xe, báo cáo nêu rõ, tính đến hết tháng 9/2017, toàn TP. Hà Nội có 14.495 xe tham gia thí điểm, thuộc 242 đơn vị vận tải. Trong đó, Công ty Uber Việt Nam có 2.282 xe (chiếm 15% xe tham gia), Công ty GrabTaxi chiếm nhiều nhất khi có tới 11.116 xe tham gia (chiếm 76%).
Theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra đổi với 15 đơn vị có phương tiện tham gia thực hiện thí điểm theo Quyết định 24. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra phương tiện tham gia thí điểm trong việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Kết quả, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã phát hiện, xử lý 41 trường hợp xe tham gia thí điểm vi phạm các quy định trong quản lý vận tải. Tất cả các xe vi phạm đều sử dụng phần mềm ứng dụng của Grab, Uber, trong đó Grab có 25 xe vi phạm, Uber có 16 xe.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, kể từ khi bắt đầu thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, loại hình này cũng có một số tồn tại.
Theo đó, kể từ khi mô hình được cho phép tham gia thí điểm, số lượng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ tại Hà Nôi gia tăng nhanh chóng, vượt quá yêu cầu mà thành phố mong muốn, gây ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố, đặc biệt là việc quản lý hạn chế xe taxi và phương tiện giao thông cá nhân.
Bên cạnh đó, một số phương tiện tham gia thí điểm không niêm yết logo, phù hiệu "xe hợp đồng" và các thông tin khác theo quy định, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa theo kịp, chưa đủ để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải theo hình thức này.
Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương thức để quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động thí điểm. Đồng thời việc sử dụng ứng dụng phần mềm phải kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm.
Bên cạnh đó, do các phương tiện tham gia thí điểm hoạt động tương tự xe taxi, Sở Giao thông vận tải đề nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình vận tải này tương tự điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi (taxi truyền thống) để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề nghị cần bổ sung các quy định về trách nhiệm chia sẻ dữ liệu ID gắn với biển kiểm soát xe, thực hiện nghĩa vụ đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử; bổ sung chế tài và quy định cần thiết đối với các đơn vị không chấp hành quy định, không công khai giá cước vận chuyển; thực hiện việc báo cáo qua thư điện tử đến Sở để thuận tiện cho công tác tổng hợp, phân tích kết quả.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp không tuyển dụng và dừng ngay việc cung cấp phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải cho lái xe và phương tiện không đáp ứng đầy đủ quy định. Với các tổ chức, cá nhân vi phạm, cần tạm dừng hoặc dừng vĩnh viễn việc cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải đối với lái xe vi phạm quy định hiện hành...
Gia Huy