Trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019", toàn thành phố đã thành lập 699 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 18.989 cơ sở, phát hiện 2.853 cơ sở vi phạm, yêu cầu đóng cửa 52 cơ sở, còn lại chủ yếu là nhắc nhở…
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, qua kiểm tra 18.989 cơ sở, có 15.501 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 81,6%), 2.853 cơ sở vi phạm, 1.251 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng.
Thực phẩm sạch luôn là mối quan tâm của người tiêu dùng hiện nay (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, có 133 cơ sở với 71 loại sản phẩm bị tiêu hủy, 52 cơ sở bị đóng cửa, 1.317 cơ sở bị nhắc nhở. Tính đến ngày 12/6, thành phố đã tổ chức 32 lớp đào tạo cho 2.676 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ; giúp người tiêu dùng bổ sung kiến thức trong nhận diện sản phẩm an toàn.
Tuy vậy, tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần có những giải pháp đồng bộ và sâu hơn, trong đó, tập trung hạn chế tối đa thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, các chất bảo quản, chất tạo màu độc hại… lưu thông trên thị trường.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị, sau "Tháng hành động vì ATTP" năm 2019, công tác này cần phải tiếp tục được duy trì, tuyệt đối không được trùng xuống.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cũng kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái trên các chợ giao dịch thương mại điện tử...
Diễm Lệ