Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP. Hà Nội đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục triển khai giai đoạn 3 Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP. Hà Nội”.
Hỗ trợ 140 cơ sở truy xuất nguồn gốc nông sản bằng tem điện tử thông minh QRcode (Ảnh minh họa)
Theo số liệu cập nhật mới nhất, trên địa bàn 12 quận nội thành có tổng số 887 cửa hàng kinh doanh trái cây. Từ đầu năm đến nay, các quận đã cấp biển nhận diện cho 686 cửa hàng kinh doanh trái cây. Qua đó, nâng tổng số cửa hàng kinh doanh được cấp biển nhận diện trên địa bàn thành phố lên 752 cửa hàng, bằng 100% số cửa hàng đạt yêu cầu của đề án và bằng 93,3% tổng số cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận.
Ngoài xây dựng dự thảo Đề án “Quản lý ATTP đối với chợ dân sinh giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn TP. Hà Nội", ngành Công Thương cũng đã rà soát, xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến, phân phối và quản lý ATTP trên địa bàn TP. Xây dựng triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn bằng công nghệ thông minh. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng, đại lý trên địa bàn có ứng dụng phần mềm mã vạch, mã hóa sản phẩm để tính tiền tự động QR code.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội xây dựng và duy trì được 70 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn. Phát triển mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án. Đồng thời, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn được sản xuất trên địa bàn TP.
Đáng chú ý, Sở NN&PTNT đã khảo sát nhằm hỗ trợ 140 cơ sở xây dựng chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản bằng tem điện tử thông minh QR code để người tiêu dùng kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm mình sử dụng.
Hằng Vương