Cụ thể, sáng nay 10/3, trên ứng dụng quan trắc không khí của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận chất lượng không khí ở miền Bắc phổ biến ở ngưỡng đỏ và tím.
Ngoài ra, theo kết quả quan trắc lúc 9 giờ (ngày 10/3), đăng tải trên trang của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho thấy, có 1 khu vực chất lượng không khí ở ngưỡng xấu là thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, chỉ số AQI là 173.
5 khu vực ở ngưỡng kém, bao gồm: xã Vân Hà (huyện Đông Anh), chỉ số AQI ở ngưỡng 144, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) ở ngưỡng 138, phố Lưu Quang Vũ, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) ở ngưỡng 123, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) ở ngưỡng 111, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) ở ngưỡng 105. Duy nhất khu vực số 50 Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) chất lượng không khí ở mức trung bình, chỉ số AQI ở ngưỡng 93.

Theo bác sĩ Bùi Thu Hương, khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, trong những đợt không khí ô nhiễm, lượng bệnh nhân đến thăm khám tăng khoảng 20%. Trong đó, hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên khi không khí bị ô nhiễm.
“Những chất có hại trong môi trường không khí sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hô hấp làm suy giảm đề kháng. Đặc biệt, trong mùa lạnh, kèm theo nhiệt độ xuống thấp khiến cơ thể không thích nghi gây ra phản ứng. Ban đầu có thể là những cơn ho nhưng sau đó có thể dẫn đến nguy cơ nặng hơn. Đặc biệt đối với những người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn sẽ dễ chuyển nặng, gây ra những đợt hen cấp…”.
PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, ô nhiễm không khí đang âm thầm gây ra các bệnh lý không phải ngày một ngày hai dễ nhìn thấy mà sẽ gây hệ lụy cho sức khỏe con người về lâu dài.
Thời điểm ô nhiễm không khí, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám với các triệu chứng bệnh lý về đường hô hấp. Điều này gây ra những đợt cấp của bệnh lý hô hấp, khi xâm nhập vào máu có thể gây ảnh hưởng đến các bệnh lý thần kinh, gây nên những bệnh lý tim mạch, bệnh ngoài da và ảnh hưởng đến mắt...

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng khuyến cáo, khi không khí bị ô nhiễm, người dân hạn chế ra ngoài khi chất lượng không khí kém.
Mặt khác, các gia đình nên sử dụng máy lọc không khí ở nhà, nơi làm việc, trong ô tô...; sử dụng nước muối sinh lý, súc miệng, nhỏ mắt, mũi... sau khi về nhà. Bên cạnh đó, nên tăng cường vận động theo thể trạng, vận động nhẹ nhàng trong nhà, hoặc ngoài trời khi chất lượng không khí không quá xấu...
Theo Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không tập thể dục ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, chạy máy lọc không khí.
Bên cạnh đó, các gia đình tăng cường dọn dẹp và thông thoáng không gian sống, sử dụng khẩu trang và kính bảo vệ mắt khi vệ sinh nếu không khí ô nhiễm; hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, củi; thay thế bếp than tổ ong, củi bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga để giảm phát thải khí ô nhiễm. Ngoài ra, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tuấn Ngọc (t/h)