Cụ thể, theo số liệu trên Cổng thông tin quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đo được lúc 12h ngày 14/1, trên địa bàn TP.  Hà Nội có 1 khu vực chất lượng không khí ở mức rất xấu (màu tím) là phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), với chỉ số AQI ở mức 226; có 6 khu vực chất lượng không khí ô nhiễm ở ngưỡng xấu (màu đỏ), gồm: Xã Vân Hà (huyện Đông Anh) chỉ số AQI là 178, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) 170, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) ở mức 163...; 5 khu vực khác ở ngưỡng kém.

Số liệu trên cổng thông tin quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội). Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Số liệu trên cổng thông tin quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội). Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Tương tự, số liệu từ Cổng thông tin quan trắc môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tại khu vực số 556 Nguyễn Văn Cừ, Đại học Bách khoa (đường Giải Phóng) và khu vực công viên Nhân Chính (quận Thanh Xuân), chất lượng không khí ở mức xấu, chỉ số AQI dao động từ 168 đến 196.

Theo các chuyên gia môi trường cho biết, với chỉ số AQI ở ngưỡng xấu đến rất xấu, bắt đầu ảnh hưởng sức khỏe đến nhiều người. Do đó, người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.

Thông tin trước báo chí, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, hiện TP. Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm.

Do vậy, người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.

Chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức xấu, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: KT
Chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức xấu, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh KT.

Trước đó, ngày 7/1/2025, Bộ Y tế cũng phát đi khuyến cáo, nếu chỉ số chất lượng không khí của TP. Hà Nội ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục, thì nên cân nhắc cho học sinh tiểu học, mẫu giáo nghỉ học, tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu. Mặc dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết, tuy nhiên dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân biết cách bảo vệ sức khỏe. Nhất là những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như: Trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Các khuyến cáo này được đưa ra dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI.

Theo WHO, AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động 0-500. Khi chỉ số AQI 101-150 không khí có chất lượng kém có thể gây ra các vấn đề về hô hấp cho nhóm nhạy cảm; AQI 151-200 không khí có chất lượng xấu, có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cho mọi người.

WHO cảnh báo, việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ; có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Tuấn Ngọc (t/h)