Việc triển khai thực hiện công tác di dời và chuyển mục đích sử dụng đất, TTCP cho rằng, UBND TP. Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các DN 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.
Từ kết quả thanh tra cho thấy, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.
TTCP kiến nghị Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong việc hướng dẫn Công ty CP An Lộc được miễn giấy phép xây dựng không đúng quy định tại dự án 107 đường Xuân La, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Cũng theo kết luận thanh tra, ngày 20/6/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Tính đến năm 2008, có 100% các quận, huyện thuộc Hà Nội cũ được triển khai quy hoạch chi tiết theo Luật Xây dựng 2003. Tuy nhiên, các đồ án này mới chỉ dừng ở quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/5000 - 1/2000, chưa có những quy định cụ thể và thiết kế đô thị. Hệ thống quy hoạch mạng lưới hạ tầng xã hội và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật mới chỉ được nghiên cứu ở tỷ lệ 1/25.000 1/10.000.
Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức lập 68 đồ án bao gồm 35 đồ án quy hoạch phân khu và 33 đồ án quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm, các đồ án quy hoạch phân khu đến năm 2015 mới được phê duyệt, đến thời điểm thanh tra vẫn còn 4 đồ án quy hoạch phân khu nội thành chưa được phê duyệt (H1-2; Hl-3, Hl4; H1-1A,1B,1C). Việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ờ một số khu đô thị.
Theo Kết luận thanh tra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt. Thực tế một số chủ đầu tư dự án không sử dụng vào công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và dịch vụ công cộng cho thuê, nhưng chưa được UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền sử đụng đất, dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu ngân sách nhà nước.
TTCP cho rằng, trách nhiệm thuộc UBND TP. Hà Nội, các Sở, ngành: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và các chủ đầu tư dự án.
Không chỉ có vấn đề trong định giá, quy hoạch các dự án trong diện thanh tra còn có bất cập về tiến độ, sai phạm tài chính cũng như nợ đọng hàng trăm tỉ tiền thuế.
Cụ thể, trong số 38 dự án có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định nhưng chỉ có 1 dự án được UBND TP xác định tiền chậm tiến độ (Dự án 47 Nguyễn Tuân) với số tiền trên 13 tỉ đồng, còn lại 3 dự án UBND TP không thực hiện, gồm dự án tại 31 Láng Hạ, dự án tại 108 Nguyễn Trãi và dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum gây thất thu NSNN.
Việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với Dự án chuyển mục đích sử dụng đất không căn cứ vào các quy định về phương pháp xác định giá đất và khung các loại giá đất, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi NSNN bị thất thu số tiền lớn. Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền hơn 1.480 tỉ đồng.
Tiền sử dụng đất Dự án Trung tâm thương mại, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy, chủ đầu tư đã chuyển một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hằng năm sang hình thức giao đất có thu sử dụng đất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gây thất thoát tạm tính hơn 403 tỉ đồng.
Kiểm tra 38 dự án cho thấy tại thời điểm thanh tra có 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 1.951 tỉ đồng. Từ phát hiện của Đoàn thanh tra, một số chủ đầu tư đã nộp hơn 1.106 tỉ đồng và số tiền còn nợ đọng là hơn 844 tỉ đồng.
TTCP cũng nhận định tổng số tiền sai phạm được phát hiện là hơn 3.974 tỉ đồng, trong đó có 1.480,302 tỉ đồng, tạm tính tiền sử dụng đất của một số dự án phải nộp bổ sung, do UBND TP. Hà Nội khi tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đã nêu, rà soát, kiểm tra các dự án chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng…
TTCP kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành kiểm tra, rà soát cụ thể để xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với các dự án do chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; tự chuyển mục đích sử dụng đất; sử dụng không đúng công năng, mục đích; tính chưa đúng về tiền sử dụng đất các chủ đầu tư phải nộp…
Huy Trung