Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Theo đó, đầu tư công được xác định là một yếu tố quan trọng, là động lực hàng đầu góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội. Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công được yêu cầu khẩn trương, là nhiệm vụ cấp thiết để dòng tiền sớm đi vào nền kinh tế.
Tại địa phương, vốn đầu tư công là đòn bẩy quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hoàn thiện các hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Trong công tác đấu thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tại các địa phương, các chủ đầu tư không chỉ cần lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao mà còn có trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 của thành phố Hà Nội là 81.033 tỷ đồng; nhưng đến ngày 15/6/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nêu trên của thành phố mới đạt 17.175 tỷ đồng, tương đương 21,2% kế hoạch thành phố và trung ương giao.
Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ 95%, do đó cần phải có nhiều giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới. Thành phố đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 được Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất theo nguyên tắc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án có vướng mắc chưa khắc phục được dù đã áp dụng nhiều giải pháp cần thiết, dự kiến không giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được giao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ, việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 do tiến độ thực hiện một số dự án có vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ, không bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời có một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc đã đủ thủ tục, điều kiện để bố trí vốn khởi công…
Nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân thấp là từ khâu tổ chức thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng đến công tác chỉ đạo. Đây là nguyên nhân đã được nhận diện và chỉ ra từ nhiều năm nay, đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt được đưa ra, nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đồng chí đề nghị, các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, chia sẻ kinh nghiệm để các đơn vị, địa phương khác học hỏi, cùng nhau thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2024; đồng thời đề nghị các đại biểu đề xuất các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành; đặc biệt cần thảo luận, cho ý kiến về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công sẽ góp phần làm phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở đồng bộ và hiện đại, phục vụ đời sống nhân dân.
Minh Đức - Trần Mạnh