Hà Nội: Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 - Hình 1

Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 bình quân đạt 2,5-3,0%, có trên 90% số xã và trên 10 huyện đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt trên 49 triệu/người/năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70-75%, tỷ lệ che phủ rừng 6,2%, trên 70% số gia súc, gia cầm giết mổ đuợc kiểm soát, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn dưới 1,5%.

Tập trung xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển các sản phẩm chủ lực của Thủ đô.

Phấn đấu tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt khoảng 1,5-1,7%/năm, thu nhập trên 01ha tăng khoảng 3%/năm, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng, có 50% diện tích cây trồng trở lên được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao; chuyển đổi 1.850ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, kết hợp phát triển các mô hình du lịch dịch vụ, sinh thái.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi, phù hợp nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, phát triển chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tập trung cải tạo con giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư lò giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên, gắn tôn tạo cảnh quan phục vụ các hoạt động dịch vụ du lịch. Khai thác hợp lý, hiệu quả mặt nước trên địa bàn Thành phố để phát triển sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, Chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp vùng thấp trũng sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, đầu tư nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phấn đấu đến năm 2020 nâng mức thu nhập 1ha đất lâm nghiệp lên 40 triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng 6,2%:

Phấn đấu đến năm 2020: Không còn HTX yếu kém, có từ 80% đến 90% HTX hoạt động từ khá trở lên; đào tạo 80% cán bộ chủ chốt HTX, trong đó, 60% đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng trở lên. Tốc độ tăng trưởng bình quân của HTX nông nghiệp tăng từ 2%-3%/năm.

Giai đoạn 2019-2020: Mỗi năm xây dựng 03 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm và 02 mô hình HTX liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

Phát triển các dạng hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và đầu tư và đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố. 

Tiếp tục thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019- 2020 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nghề, làng nghề chiếm 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Thành phố...

Phấn đấu đến năm 2020 số xã đạt chuẩn NTM 347 xã trở lên, có 10 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%.

Nguyễn Tuệ