Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ ngày 20/12/2017 đến 20/3/2018, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 253 vụ; trong đó xử phạt hành chính hơn 756 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 9.350 lít rượu thủ công và 1.165 chai rượu các loại, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 656 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa hạn chế kinh doanh mà không có giấy phép hạn chế kinh doanh; không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu.
Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở SX, KD rượu trên địa bàn thành phố
Về khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra, ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, quá trình kiểm tra, dù lực lượng chức năng phát hiện một số hộ dân nấu rượu nhỏ lẻ không đăng ký, nhưng họ đều nêu lý do nấu rượu để sử dụng cá nhân, cung cấp cho người thân, nên khó xử phạt, hoặc chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra có số lượng không nhỏ rượu không rõ nguồn gốc, sản xuất thủ công chuyển từ các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... về Hà Nội tiêu thụ nên rất khó kiểm soát nguồn gốc.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Sở Công thương tiếp tục yêu cầu các đội quản lý thị trường thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Lấy mẫu giám định chất lượng rượu để làm cơ sở xử lý nếu có vi phạm. Đặc biệt là phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở đã bị xử lý vi phạm. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở vi phạm để giáo dục, ngăn chặn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đối với cộng đồng.
Với người dân, để phòng tránh ngộ độc rượu chỉ nên sử dụng các loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uống rượu vừa phải, không vì ham rẻ mà mua các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ở các cơ sở không đảm bảo an toàn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2013 - 2017, cả nước có 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người nhập viện và 34 người tử vong. Riêng năm 2017 ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha còn công nghiệp methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện. Thành phố Hà Nội trong năm 2017 ghi nhận 40 bệnh nhân tại 12 quận/huyện ngộ độc methanol. Đa số bệnh nhân uống rượu ở các địa chỉ khác nhau không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, rượu được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Linh Tuệ/Sở Y tế Hà Nội