Nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh của các du thuyền, nhà nổi trên Hồ Tây đã khiến cho ngồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm mất mỹ quan đô thị, đầu độc nguồn nước, làm mất đi hình ảnh hồ Tây thơ mộng... Để chấm dứt tình trạng này, TP. Hà Nội đã kiên quyết di dời các du thuyền nổi trên hồ Tây về khu vực Đầm Bảy, trả lại cảnh quan, môi trường cho khu vực hồ.
Theo đó, ngày 17/2/2017, UBND quận Tây Hồ đã ban hành kế hoạch tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây. Theo kế hoạch này, việc thực hiện tháo dỡ, di dời toàn bộ các phương tiện thủy nội địa, sàn nổi ra khỏi Hồ Tây sẽ thực hiện xong trong tháng 3/2017.
Tuy nhiên, trái với chỉ đạo trên của UBND TP. Hà Nội, đến nay trên địa bàn phường Yên Phụ vẫn tồn tại một nhà nổi và một du thuyền có dấu hiệu hoạt động kinh doanh trở lại.
Nhiều người dân nghi ngờ việc tồn tại của nhà nổi và chiếc du thuyền này có sự "bao che", dung túng của phường Yên Phụ?
Theo quan sát của PV, nhà nổi được xây dựng kiên cố trên nền bê tông với diện tích khoảng hơn 100 m2. Để đi ra nhà nổi này, bắt buộc phải đi qua một cầu dẫn đổ bằng bê tông với những chiếc cọc được đóng cố định dưới lòng hồ.
Tại thời điểm PV ghi nhận (ngày 19/3/2018), nhà nổi này đang được một số người xây dựng các bồn hoa ngay sát vỉa hè của đường Yên Hoa và đang có dấu hiệu hoạt động trở lại. Tiếp giáp nhà nổi là một chiếc du thuyền đang được neo đậu cố định.
Việc tồn tại của chiếc du thuyền, nhà nổi này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn mất mỹ quan đô thị
Việc tồn tại của nhà nổi và chiếc du thuyền này cho thấy, UBND phường Yên Phụ đã không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội trong việc di dời các du thuyền và nhà nổi ra khỏi khu vực Hồ Tây.
Cụ thể, ngày 7/2/2017 UBND TP. Hà Nội đã ra Thông báo số 38, truyền đạt Kết luận của chủ tịch Nguyễn Đức Chung về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp.
Văn bản này nêu rõ: Chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; Xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây, hoàn thành trong Quý I năm 2017.
Yêu cầu UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây.
Đồng thời, giao Sở VHTT&DL thực hiện việc duy tu, duy trì, quản lý, vận hành Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục thể thao Hồ Tây. Các Sở Xây dựng, KHĐT, TNMT, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, Ban quản lý Hồ Tây, Công ty TNHH một thành viên Hồ Tây... lên phương án khắc phục nguồn nước, cải tạo môi trường, cảnh quan, cải tạo khu vực hồ...
Chỉ đạo của TP là vậy, nhưng thực tế những nhà nổi, cầu dẫn, du thuyền vẫn đang tồn tại một cách công khai. Câu hỏi đặt ra là: "Lệnh" di dời của Chủ tịch TP. Hà Nội liệu có hiệu lực hay không? Vì sao các du thuyền, hà hàng nổi vẫn công khai hoạt động? Liệu UBND phường Yên Phụ có “chống lệnh” TP trong việc di dời các nhà nổi, du thuyền ra khỏi khu vực Hồ Tây hay không?
Báo Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Ngọc Linh - Gia Huy