Theo khảo sát, tại đây bày bán nhiều hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam, nước ngoài, có nhiều hàng hoá có đủ thông tin trên tem nhãn sản phẩm như Công ty sản xuất, thành phần, bao bì, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những mặt hàng nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 8/5/2024, phóng viên trực tiếp khảo sát siêu thị Đức Thành tại Tầng 1-2, Tòa nhà TTTM và Căn hộ chung cư, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội và toà nhà CT1 The Pride, KĐT An Hưng, phường La Khê, Quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Thực phẩm mốc trắng vẫn bày bán tại siêu thị
Là siêu thị bày bán thực phẩm cho mọi gia đình, thế nhưng siêu thị Đức Thành lại bày bán cả những mặt hàng thực phẩm bị mốc trắng. Thậm chí, để kích cầu khách hàng mua loại sản phẩm không còn tươi ngon, đảm bảo sức khoẻ, siêu thị giảm giá sản phẩm tới 50%.
Thực sự, nhìn những loại thực phẩm tươi hàng ngày đen xì, mốc trắng như thế này bày bán tại siêu thị, chắc chắn khách hàng nào cũng sẽ cảm thấy không yên tâm khi sử dụng, từ đó mang đến sự thiếu tin cậy, đảm bảo cho hệ thống siêu thị Đức Thành này.
Sản phẩm không tem nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Tại khu vực mặt hàng trái cây, nông sản, thực phẩm tươi sống tại siêu thị Đức Thành, bên cạnh những mặt hàng ghi rõ nguồn gốc, ngày đóng gói, hạn sử dụng thì có nhiều mặt hàng dán nhãn mác thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí có mặt hàng “trắng” thông tin.
Tiếp tục di chuyển đến khu bày đồ gia dụng, phóng viên ghi nhận ngoài những sản phẩm đã gắn tem nhãn bằng tiếng Việt thì một số sản phẩm khác như: Cốc, bình nước, hộp đựng gia vị, thực phẩm… được bày bán tại đây với bao bì in chữ Trung Quốc không có tem nhãn bằng tiếng Việt. Thậm chí có những sản phẩm còn “trắng" thông tin. Nhiều sản phẩm đồ gia dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng trên bao bì chỉ thể hiện bằng chữ tượng hình, mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của người tiêu dùng.
Theo quy định những sản phẩm bằng: Nhựa; kim loại; thủy tinh là nhóm sản phẩm nằm trong danh sách dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Theo quy định tại nhóm các quy chuẩn 12 của Bộ Y tế toàn bộ sản phẩm trên phải công bố hợp quy và dấu hợp quy trên mỗi bao bì sản phẩm.
Ở khu vực bày đồ chơi, có những mặt hàng tem nhãn phụ bị bong tróc, tem không còn nguyên vẹn, khiến người mua khó có thể nắm được thông tin sản phẩm.
Tại khu vực bán dùng học tập cho trẻ em, có nhiều mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc có tem nhãn phụ tiếng Việt đầy đủ, nhưng cũng có nhiều mặt hàng không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, vi phạm quy định về tem nhãn hàng hoá. Đây đều là những đồ dùng học tập của trẻ em được sử dụng hàng ngày, thế nhưng hệ thống siêu thị Đức Thành lại bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi trẻ đang sử dụng các sản phẩm trôi nổi này trong học tập.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp xúc thường xuyên với những đồ dùng học tập không rõ nguồn gốc trong thời gian dài, trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng trí não, thậm chí gây ung thư, vô sinh. Nếu nuốt phải chất lỏng có trong một số sản phẩm chặn giấy, gọt bút chì... trẻ có thể bị ngộ độc cấp tính và tử vong do bên trong có chứa một số kim loại nặng như chì, asen, cadimi với hàm lượng khá cao. Một số loại chứa formadehyde quá tiêu chuẩn cho phép, những chất này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây ung thư máu.
Tại khu vực bày bán thời trang, nhiều sản phẩm mũ cho người lớn và trẻ em cũng thiếu thông tin sản phẩm.
Quy định về tem nhãn phụ đã rõ
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Trước thực trạng đang tồn tại ở hệ thống siêu thị Đức Thành tại Hà Nội, đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh tại đây, xử lý sai phạm (nếu có), nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và minh bạch trong kinh doanh của các đơn vị.
Thu Trang