Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm cho thấy, các ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, GRDP quý I tăng 6,99% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm 2019 ước thực hiện là 68.100 tỷ đồng, đạt 25,9% dự toán (tăng 30,3% so với cùng kỳ).
Theo đó, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,4 đến 7,6% trong năm 2019, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm; đồng thời tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.
Nhóm giải pháp tập trung thực hiện đầu tiên được UBND thành phố nêu ra là chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các dịch bệnh cần phòng, chống và dập tắt gồm bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch sởi và sốt xuất huyết.
Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trong trường học, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã giao ban với các trường học trong và ngoài công lập, yêu cầu đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm phải công khai, minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh. Các trường phải thành lập ban thanh tra và mời phụ huynh giám sát chất lượng, giá cả và công bố công khai cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Nhóm giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường thực hiện tốt quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại; sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Nhóm giải pháp cuối là bảo đảm thu chi ngân sách và giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan và UBND quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý thu, chống thất thu, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan, Ban quản lý dự án của thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công để kịp thời điều chỉnh, cắt giảm vốn đầu tư đối với các dự án chậm giải ngân, hiệu quả đầu tư thấp hoặc không có khả năng giải ngân.
Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; rà soát tình hình thu hút và đôn đốc thực hiện các dự án vốn đầu tư nước ngoài.
Quốc Trường