Theo UBND Thành phố Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng năm 2023, ước thực hiện 253,2 nghìn tỷ đồng, đạt 71,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 20,8% so cùng kỳ 2022.
Trong số đó, thu nội địa 238,3 nghìn tỷ đồng, đạt 73,6% dự toán và tăng 23,5% so cùng kỳ 2022; thu từ dầu thô 1,9 nghìn tỷ đồng, đạt 92,2% và tăng 12,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 13 nghìn tỷ đồng, đạt 48,1% và giảm 12,9%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 7 tháng, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 49,9 nghìn tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán năm và tăng 37% cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 17,1 nghìn tỷ đồng, đạt 72,2%. tăng 23,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 48,9 nghìn tỷ đồng, đạt 65,9%, tăng 6,8%; thuế thu nhập cá nhân 24,7 nghìn tỷ đồng, đạt 64,2%, tăng 0,3%; thu tiền sử dụng đất 5,2 nghìn tỷ đồng, đạt 30,5%, giảm 30,6%; thu lệ phí trước bạ 3,5 nghìn tỷ đồng, đạt 41,5%, giảm 27,1%; thu phí và lệ phí 11,1 nghìn tỷ đồng, đạt 63,5%, tăng 6,4%.
Cùng với đó, chi ngân sách địa phương ước thực hiện 45,7 nghìn tỷ đồng, đạt 43,5% dự toán năm, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó chi đầu tư phát triển 18,8 nghìn tỷ đồng, đạt 40,1% dự toán, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên 26,9 nghìn tỷ đồng, đạt 48,2%, tăng 14,2%.
Bên cạnh thu, chi ngân sách cho đầu tư phát triển, Hà Nội quan tâm quản lý về tín dụng ngân hàng, huy động vốn và giúp cho các doanh nghiệp hoạt động.
Ảnh minh họa
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặt bằng lãi suất trên địa bàn trong tháng 7 được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn.
Về hoạt động huy động vốn, đến cuối tháng 7/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 4.980 nghìn tỷ đồng, tăng 0,31% so tháng trước và tăng 2,6% so thời điểm kết thúc năm 2022.
Hoạt động tín dụng đến cuối tháng 7/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.069 nghìn tỷ đồng, tăng 0,58% so tháng trước và tăng 4,18% so thời điểm kết thúc năm 2022; trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.216 nghìn tỷ đồng, tăng 0,57%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.853 nghìn tỷ đồng, tăng 0,59%.
Nhờ tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu, tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,89% trong tổng dư nợ và 2,1% tổng dư nợ cho vay.
Về dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 19,38% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,14%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9,03%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,20%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,36%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,37%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,48%.
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân hàng tiếp tục nắm bắt và tổng hợp những khó khăn vướng mắc của ngân hàng thương mại trên địa bàn trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cục Thuế Hà Nội cũng luôn đổi mới thủ tục hành chính, áp dụng nhiều phần mềm, ứng dụng điện tử giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong việc kê khai và nộp thuế.
Phương Thảo