Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tại buổi họp báo
Theo đó, đề án thí điểm nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ngăn chặn kịp thời tình trạng sử dụng hoá chất bảo quản trái cây, lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.
Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch; hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP, từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng ra thị trường…
Mục tiêu là 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP; nâng cao trách nhiệm, nhận thức pháp luật trong việc kinh doanh trái cây của các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh và lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ có 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh, biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng; tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng…
Các cửa hàng kinh doanh trái cây phải bảo đảm 4 nhóm điều kiện: Thực hiện quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.
Cửa hàng chuyên doanh trái cây được cấp biển nhận diện (logo); phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.
Cơ sở kinh doanh trái cây đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết bảo đảm ATTP trong kinh doanh còn hạn theo quy định của pháp luật về ATTP.
Các cửa hàng được cấp biển nhận diện được công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn.
Đề án trên được triển khai thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ 8 – 9/2017): Xây dựng và ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thành phố và thành lập các tổ công tác, đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố, cấp quận; triển khai công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp tập huấn, phổ biến, vận động thực hiện đề án và các quy định của pháp luật và thành phố về quản lý, kinh doanh trái cây đến các đối tượng của đề án.
Giai đoạn 2 (từ tháng 10/2017 – 2/2018): Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động thực hiện đề án từ cấp thành phố đến cấp cơ sở; tăng cường tổ chức các chương trình khám sức khỏe; tập huấn, nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, kiến thức về ATTP, kiến thức kinh doanh văn minh hiện đại.
Hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ các chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây bổ sung, hoàn thiện các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận ATTP, xác nhận kiến thức ATTP, cam kết bảo đảm ATTP và cải tạo, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu quy định.
Giai đoạn 3 (tháng 3/2018 – 12/2018): Tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại đề án; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP; hoàn thành công tác cấp biển nhận diện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện quy định.
Công khai danh sách các cửa hàng bảo đảm ATTP được cấp biển nhận diện; các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định qua các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn.
Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 6 vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh trái cây. Kết quả: xử lý 5 vụ, trong đó có 1 vụ không niêm yết giá, 1 vụ không đăng ký kinh doanh, 3 vụ nhập lậu; xử phạt 12,8 triệu đồng; tiêu hủy 990kg trái cây các loại.
Nguyễn Kiên