Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Hà Nội về kết quả công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu tháng cao điểm (từ ngày 16/3-15/4) cho thấy, các quận, huyện, xã đã thành lập 627 đoàn kiểm tra, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép, tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng QLTT đã tịch thu hàng chục nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc
Riêng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thành lập 33 đoàn kiểm tra các cơ sở pha chế rượu, sử dụng chất cấm trong thực phẩm làm nguyên liệu sản xuất rượu; các kho hàng, bến bãi, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa vào thành phố. Trong tháng cao điểm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 408 vụ, xử lý 380 vụ, 72 vụ đang xử lý và phạt tiền 843,9 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 358,7 triệu đồng; tạm giữ, tịch thu 11.124 lít rượu và 814 chai rượu các loại.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc chưa có khái niệm rõ ràng về rượu thủ công đã gây khó khăn cho công tác quản lý và khó phân biệt với rượu công nghiệp. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật hay tiêu chuẩn Việt Nam nào đối với sản phẩm rượu thủ công, nhất là những sản phẩm rượu ngâm thảo dược, hoa quả (táo mèo, ba kích, tỏi đen, đông trùng hạ thảo…) khiến lực lượng chức năng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm. Mặt khác, nơi tiêu thụ rượu chủ yếu tập trung ở các nhà hàng, cửa hàng ăn uống với loại hình kinh doanh tiêu dùng tại chỗ, không phải cấp phép bán lẻ rượu cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.
Hoan Nguyễn