Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 580/QĐ-UBND về việc phê duyệt nội dung văn kiện và tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật "Cải thiện giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Moov'Hanoi)" sử dụng viện trợ không hoàn lại của Hội đồng Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
![TP Hà Nội vừa tiếp nhận dự án TP Hà Nội vừa tiếp nhận dự án](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/02/04/bus-xanh-1738674165.jpg)
Mục tiêu chung của dự án là nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng, hỗ trợ TP. Hà Nội thiết lập mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức. Sở Giao thông vận tải Hà Nội là đơn vị trực tiếp tổ chức, quản lý, thực hiện các hoạt động cần thiết để nghiên cứu dự án.
Thời gian thực hiện dự án là 1 năm, kể từ khi được phê duyệt (trong năm 2025-2026) với tổng vốn dự án gần hơn 33,2 tỷ đồng, tương đương 1,2 triệu Euro. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 32 tỷ đồng do bên tài trợ là Hội đồng Vùng Île-de-France và Cơ quan Phát triển Pháp (bên cung cấp viện trợ) trực tiếp quản lý. Vốn đối ứng khoảng 1 tỷ đồng được huy động từ ngân sách thành phố.
Dự án mong muốn cải thiện “lộ trình di chuyển của hành khách”, thông qua cải tiến các điểm ga giao thông công cộng; cải thiện khả năng tiếp cận bằng tất cả các phương thức, đặc biệt là đi bộ đến các nhà ga để tạo thuận lợi cho việc sử dụng phương thức giao thông công cộng mới; tổ chức lại mạng lưới xe buýt hiện có để bổ sung giao thông công cộng nói chung.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP. Hà Nội hiện tại là 154 tuyến. Trong đó, có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City Tour.
Mạng lưới xe buýt đã “phủ sóng” đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường, thị trấn đạt 88,4%, 65/75 bệnh viện đạt 87%, 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%, 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%, 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%, 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa khu du lịch đạt 92%, kết nối với 7 tỉnh thành lân cận gồm Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
Hệ thống hạ tầng xe buýt gồm 4.400 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (12,6km làn đường dành riêng cho xe BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ). Đoàn phương tiện có gần 2.300 xe, tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch là 276 xe (chiếm 13,6%)...
Hiện, xe buýt là loại hình phương tiện đi lại chính của nhiều người dân Hà Nội nhất là học sinh, sinh viên, người cao tuổi và nhân viên văn phòng. Không chỉ có độ phủ sóng cao, xe buýt còn thu hút hành khách bởi giá vé rẻ.
PV (t/h)