Lực lượng chức năng Hà Nội, kiểm tra hàng hóa vi phạm
Diễn biến phức tạp
Tháng 3, tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm...
Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng vẫn diễn ra, với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.
Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số quận, huyện có dấu hiệu phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi như: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn...
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo 389/ Hà Nội đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chu Xuân Kiên cho biết:
Thời gian qua, lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương của thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 389/Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong chỉ đạo, điều hành có sự kiểm tra, đôn đốc cũng như sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung vào một số nhóm mặt hàng, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành và Ban chỉ đạo 389/QG.
Giữa các lực lượng chức năng có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, tạo mối liên kết, chia sẽ thông tin về tình hình, đối tượng, phương thức thủ đoạn hoạt động từ đó giúp các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh vẫn còn những khó khăn nhất định:
Hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn lĩnh vực chưa đồng bộ, còn bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung.
Các đối tượng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại thường sử dụng các thiết bị công nghệ cao, luôn đối phó với các lực lượng chức năng để tẩu tán hàng hóa khi bị kiểm tra, bắt giữ.
Các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát còn thiếu, chưa đáp ứng với tình hình.
Hiện nay, tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên mạng điện tử gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.
Hà Nội, xử lý nhiều vụ vi phạm (ảnh minh họa)
Chủ động đấu tranh
Trong tháng 3/2019, Công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng, tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn Hà Nội.
Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP...
Qua đó, trong tháng 3, công an thành phố đã kiểm tra 49 vụ, xử lý 57 vụ, phạt hành chính 724 triệu đồng; truy thu thuế 11,53 tỷ đồng.
Cục Quản lý thị trường: Tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường, triển khai nhiệm vụ trong công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; chống các hành vi kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động, thực vật hoang dã; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường, phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tích cực chủ động kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm phát hiện, ngăn chặn lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cử cán bộ, công chức tham gia các chốt kiểm dịch tại địa phương nhằm phòng, chống lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 148 vụ, xử lý 109 vụ. Phạt hành chính 1,119 tỷ đồng. Trị giá hàng hàng tịch thu và hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng 1,907 tỷ đồng.
Cục hải quan thành phố: Tăng cường công tác chống buôn lậu đối với động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã từ các nước châu Phi về Việt Nam qua đường hàng không, mặt hàng gỗ quý hiếm, mặt hàng gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới, mặt hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, các mặt hàng phân bón, xăng dầu, thịt trâu đông lạnh, thuốc lá, xăng dầu, dược liệu, các mặt hàng cấm…
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thịt lợn nhập lậu, không đảm bảo chất lượng từ các tỉnh biên giới về Việt Nam.
Trong tháng, Cục hải quan thành phố phát hiện, bắt giữ 74 vụ; xử lý 74 vụ, phạt hành chính 528 triệu đồng.
Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu.
Xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý và tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch trên địa bàn; tổ chức tiêu hủy các động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất…).
Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị...
Nguyễn Kiên