Hà Tĩnh là tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ, có chiều dài bờ biển là 137km, với trên 20 con sông lớn nhỏ đổ ra 04 cửa biển, cùng nhiều hồ đập, Hà Tĩnh được xem là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển khai thác thủy sản. Hiện toàn tỉnh có 4.245 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 281 chiếc từ 12-15m, 78 chiếc 15m trở lên, số còn lại là 3.886 chiếc dưới 12m (chiếm 90%). Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt gần 40.000 tấn, tốc độ tăng trưởng đạt 4%/năm.

Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU.
Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU.

Trong năm 2024, Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định liên quan đến chống khai thác IUU; quản lý, theo dõi và kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm...

Cơ bản “xóa” tàu cá “3 không”

Để tiến hành các bước đăng ký cho tàu cá "3 không" theo quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2024 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2115/QĐ-UBND ngày 30/8/2024.

Theo danh sách được UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố theo Quyết định số 2115/QĐ-UBND, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.156 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản) đủ điều kiện đăng ký theo quy định. Nhưng trong quá trình triển khai có 113 chủ tàu không có nhu cầu đăng ký (do tàu hư hỏng không thể sửa chữa), như vậy toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.043 tàu cá “3 không”.

Tập trung rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân làm thủ tục đăng ký cho các tàu cá
Tập trung rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân làm thủ tục đăng ký cho các tàu cá "3 không".

Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố danh sách tàu cá “3 không” đủ điều kiện đăng ký theo quy định, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã ven biển các bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện hướng dẫn đăng ký tàu cá “3 không” cho người dân.

Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với các chi cục thuế trên địa bàn và đề nghị UBND các huyện, thị xã ven biển tập trung chỉ đạo các xã/phường/thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ từng ngư dân trong danh sách hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để đăng ký. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện từng ngày để báo cáo Sở NN&PTNT để kịp thời xử lý các vướng mắc cho bà con ngư dân.

Hiện nay Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận đăng ký cho tàu cá “3 không”.
Đến ngày 12/12/2024, Hà Tĩnh đã đăng ký được 2.037/2.043 tàu cá “3 không”.

Sau hơn 3 tháng nổ lực tập trung cao, thực hiện đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân các hồ sơ, thủ tục đăng ký cho tàu cá “3 không”, tính đến ngày 12/12/2024, toàn tỉnh đã đăng ký được 2.037/2.043 tàu cá “3 không”, đạt tỷ lệ 99,71%. Trong đó, có 3 huyện Nghi Xuân, Lộc Hà và Thạch Hà đã hoàn thành đăng ký tàu cá 3 không; còn 06 tàu chưa đăng ký gồm: huyện Cẩm Xuyên còn 04 tàu, huyện Kỳ Anh 01 tàu, thị xã Kỳ Anh 01 tàu.

Để góp phần phát triển nghề cá bền vững, chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, ngư dân bắt buộc phải thực hiện các bước để được đăng ký cho tàu cá. Đây cũng được xem là cơ hội cuối cùng để chủ tàu cá thực hiện các thủ tục pháp lý vì theo quy định của Thông tư số 06, thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tàu cá “3 không” chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời gian này, những tàu dù có đủ điều kiện cũng sẽ không được xem xét, giải quyết và sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.

Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm

Để đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU trong thời gian qua, bênh cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng thì việc phối hợp, thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt.

Công tác quản lý, theo dõi và kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá ngày càng chặt chẽ, hiện nay Hà Tĩnh có tổng số 4.245/4.245 tàu cá đã được đăng ký; cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản cho 3.805/4.245 tàu, đạt 89,63%; cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đăng kiểm tàu cá) cho 305/359 tàu, đạt 85%; cấp giấy chứng nhận ATVSTP thủy sản trên tàu cá cho 68/75 tàu cá đang hoạt động thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận ATVSTP trên tàu cá, đạt tỷ lệ 90,6%; có 4.245/4.245 tàu cá thực hiện việc đánh dấu tàu, kẻ vẽ biển số đạt 100%; có 4.245/4.245 tàu cá đã nhập vào dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFISHBASE) đạt tỷ lệ 100%.

Thường xuyên tổ chức tuần tra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tàu cá khai thác thủy sản trên biển.
Thường xuyên tổ chức tuần tra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tàu cá khai thác thủy sản trên biển.

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã ban hành quy trình giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, bố trí nhân lực tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Theo đó, đã giám sát 7.304 lượt tàu cá cập cảng và 7.399 lượt tàu cá rời cảng. Sản lượng thủy sản qua cảng là 1.562 tấn, thu 7.304 nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản.

Toàn tỉnh đã có 75 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS đạt 100%. Ban Quản lý các cảng cá, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã chủ động bố trí nhân lực tăng cường kiểm tra, kiểm soát toàn bộ tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7, 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Kết quả thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT đến nay có 1.152 lượt cập và 1.283 lượt rời.

Cùng với đó, công tác tổ chức kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của văn phòng IUU tại cảng cá được tăng cường. Trong 11 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Hà Tĩnh đã phát hiện và xử lý 9 vụ/9 tàu cá vi phạm IUU tại cảng cá với tổng số tiền xử phạt là 52.5 triệu đồng.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản sai quy định.
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản sai quy định.

Các lực lượng chức năng Hà Tĩnh cũng luôn tích cực phối hợp vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản sai quy định. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 160 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện và xử lý 41 vụ/43 tàu cá vi phạm các quy định về hoạt động khai thác thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 726 triệu đồng.

Sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của ngư dân Hà Tĩnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ông Lưu Quang Cần - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, để chuẩn bị các điều kiện phục vụ làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5, trong thời gian tới Chi cục Sản sản Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý tàu cá trên địa bàn theo nhiệm vụ được giao. Phối hợp với các các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT về việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cấp bách về phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

Khánh Trình