Tuyến giao thông đi qua 06 địa phương của Hà Tĩnh bắt đầu từ cầu Cửa Hội, huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và điểm cuối giao với Quốc lộ 12C ở cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh với chiều dài 120 km.  

Đây là một trong những tuyến giao thông trục dọc của Hà Tĩnh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Trong 120 km của tuyến đường ven biển Hà Tĩnh, có 33 km trùng với một số đoạn tuyến đã được đầu tư của các dự án tại 03 địa phương (Lộc Hà, Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh). Còn 87 km được xây dựng mới qua 2 giai đoạn. Chủ đầu tư giai đoạn 1 là Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, giai đoạn 2 là BQL Dự án các công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Một đoạn đường ven biển chạy qua TX. Kỳ Anh
Một đoạn đường ven biển chạy qua thị xã Kỳ Anh.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc tối đa 80 km/h. Đoạn từ xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân tới cầu Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên nền đường rộng 12m, mặt đường 11m và 2 lớp bê tông nhựa. Đoạn từ cầu Cửa Nhượng tới xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh cũng có nền đường rộng 12m nhưng bề rộng mặt đường làn xe cơ giới chỉ 7m, bề rộng làn xe thô sơ (gia cố lề) 4m và lề đường đất 1m.

Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường ven biển Hà Tĩnh không chỉ chia sẻ lưu lượng phương tiện cho Quốc lộ 1, mà còn tạo thuận lợi trong đi lại, giao thương, qua đó góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển Hà Tĩnh.

Tuyến đường cũng giúp kết nối vùng kinh tế Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình, đóng vai trò động lực xây dựng các khu kinh tế trọng điểm của 03 tỉnh. Kết nối các cảng Cửa Lò, cảng biển quốc tế Vissai của tỉnh Nghệ An; các cảng biển Xuân Hội, Thạch Kim, cảng Quốc tế Lào - Việt (cảng Vũng Áng) tỉnh Hà Tĩnh; cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình; góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện cho Quốc lộ 1 qua địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tuy nhiên, do chiều dài tuyến lớn, hằng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa, bão, lũ lụt, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để duy tu, sửa chữa. Trong khi đó, nguồn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn nên việc cân đối, bố trí nguồn lực để quản lý, bảo trì tuyến đường này còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, một số hạng mục của kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, khả năng khai thác và tuổi thọ công trình đường bộ.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, chấp thuận chuyển tuyến đường ven biển tỉnh Hà Tĩnh thành Quốc lộ ven biển Hà Tĩnh và ủy thác cho Sở Giao thông Vận tải quản lý, bảo trì, khai thác.

Lê Quyết