Giải ngân vốn đầu tư công… thấp
Trong 06 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhất là phần vốn ngân sách tỉnh quản lý.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Hà Tĩnh lý giải nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ các dự án sử dụng đất trên địa bàn cũng như các giải pháp mà UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở KH&ĐT tập trung thực hiện như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Thực hiện nghiêm khắc các chế tài, kỷ luật đối với các đơn vị, chủ đầu tư chậm tiến độ, vi phạm nhiều lần.
Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn và không tiếp tục giao kế hoạch vốn, giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Tập trung hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình khởi công mới. Đôn đốc, lập đường găng tiến độ chi tiết cho từng dự án. Thực hiện nhanh và kịp thời công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc triển khai các dự án trên địa bàn.
Ông Trần Việt Hà đưa ra giải pháp cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Đồng thời, có phương án thu hồi, xử lý các dự án chậm triển khai…
Vào cuối tháng 06/2022, trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký quyết định về việc thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Mỏ sắt Thạch Khê và hệ lụy
Tại phiên chất vấn sáng nay, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt – tổ đại biểu huyện Thạch Hà đặt câu hỏi: Người dân 6 xã nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa có hệ thống nước sạch, nhiều dự án không được triển khai xây dựng, việc canh tác sản xuất vô cùng khó khăn. Vậy các giải pháp nhằm ổn định đời sống dân sinh trước mắt và lâu dài như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong thời gian chờ quyết định việc chấm dứt hay tái khởi động dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 946/QĐ-TTg ngày 21/6/2011 với tổng mức đầu tư 1.677 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đã cấp 945 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng dự án.
Thời gian tiếp theo, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục khảo sát, rà soát để tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đề xuất chấm dứt dự án. Đồng thời, có nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các xã chịu ảnh hưởng. Trong trường hợp sau khi kết thúc, sẽ đề xuất quy hoạch lại các xã nằm trong vùng thực hiện dự án để phát triển dịch vụ, du lịch biển.
Trong hơn 10 năm qua, người dân quanh khu vực mỏ sắt Thạch Khê đã chịu nhiều hệ lụy. Trong đó, hàng năm bãi thải sau khi bóc đất tầng phủ của mỏ sắt vẫn trôi xuống làng mạc ảnh hưởng đời sống. Ngoài ra, do vướng quy hoạch của mỏ sắt nên các xã vùng mỏ không có định hướng để phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng, gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển của địa phương.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, khi có quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê từ Chính phủ, Hà Tĩnh cam kết sẽ thực hiện các nội dung Trung ương giao. Trong đó, sẽ thu hồi diện tích 980 ha để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Hàng loạt dự án khu du lịch Xuân Thành chậm triển khai
Tại phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng (tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về việc khu du lịch Xuân Thành có nhiều dự án được chấp thuận đầu tư nhưng triển khai chậm? Giải pháp xử lý đối với một số dự án gặp khó khăn về thuê đất thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, khu du lịch Xuân Thành hiện có tất cả 74 dự án đầu tư. Trong đó, 21 dự án của các tổ chức doanh nghiệp do UBND tỉnh chấp thuận, 30 dự án do huyện chấp thuận đầu tư, 23 dự án thực hiện trên đất của các tổ chức cá nhân. Trong số 74 dự án, có 23 dự án đã đầu tư và kinh doanh, 4 dự án đầu tư xây dựng, 10 dự án hiện đang bỏ hoang và 37 dự án chưa triển khai.
Ông Trần Việt Hà cho rằng, có những tồn tại trên là có những nguyên nhân khách quan và chủ quan và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới như: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và kịp thời xử lý khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục để các dự án sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ và thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà: Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có tất cả 60 dự án gặp khó khăn về cho thuê đất. Tong đó, 50 dự án thực hiện 100% phần đất do Nhà nước quản lý, 10 dự án thực hiện một phần đất do Nhà nước quản lý. |
Lê Quyết