Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến cuối tháng 10/2019, tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn đều có dịch tả lợn châu Phi (TLCP). Tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 20.574 con chiếm 5% tổng đàn lợn cả tỉnh.

Theo ông Khánh, công tác chống dịch TLCP gặp rất nhiều khó khăn do số lợn chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ nhiều (gần 26.000 hộ, chiếm 60%). Việc triển khai biện pháp an toàn sinh học rất khó thực hiện. Lưu lượng vận chuyển lợn qua địa bàn qua 2 tuyến QL1A và đường mòn Hồ Chí Minh rất lớn. Nhiều người tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn. Trong khi đó, điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhiều vùng ngập sâu sau mưa, bão…

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh tiến hành tiêu hủy đàn lợn sau khi phát hiện nhiễm dịch tả châu PhiLực lượng chức năng Hà Tĩnh tiến hành tiêu hủy đàn lợn sau khi phát hiện nhiễm dịch tả châu Phi

Đáng nói, trước tình hình DTLCP đang có nhiều diễn biến phức tạp thì trên địa bàn tiếp tục xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) trên trâu, bò tại 3 huyện: Can Lộc, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh, với tổng số gia súc mắc bệnh là 57 con.

"Toàn tỉnh có 21 xã đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy lợn mắc bệnh, chết do dịch TLCP không phát sinh ca bệnh mới. Chúng tôi đang cố gắng sử dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch. Còn dịch LMLM xuất hiện trên đàn gia súc là do tại các địa phương này có thói quen thả rông gia súc, thậm chí là không nhốt được gia súc về chuồng nên tỷ lệ tiêm phòng đợt 1 (tháng 3/2019) đạt thấp. Mặt khác, thời tiết lúc này thuận lợi cho virut dịch LMLM phát triển. Trong khi đó, thời điểm này, vacxin phòng bệnh LMLM đã hết tác dụng (6 tháng). Các địa phương đang tập trung lực lượng khắc phục dịch TLCP nên tiến độ tiêm phòng đợt 2/2019 chưa thực hiện xong. Đơn vị đang làm công văn xin gia hạn lịch tiêm phòng”, ông Khánh nói.

Hoàng Linh