Số liệu từ Cục Thống kê Hà Tĩnh cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm nay ước đạt 28.633,8 tỷ đồng, tăng 8,75% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành dự tính đạt 4.111,7 tỷ đồng, tăng 8,39%; doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 5,46%; doanh thu kinh doanh vận tải, kho bãi 4.150 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của Hà Tĩnh đạt hơn 38.000 tỷ đồngSau 9 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của Hà Tĩnh đạt hơn 38.000 tỷ đồng

Thời gian qua, nền kinh tế toàn tỉnh đã đạt được những thành tựu và kết quả nổi bật, đời sống, mức thu nhập và mức thụ hưởng cuộc sống của đại bộ phận người dân đang trên đà phát triển, thúc đẩy quá trình sử dụng, mua sắm các loại hàng hoá, dịch vụ tăng theo.

Cùng đó, những chính sách ưu tiên trong phát triển các ngành dịch vụ của tỉnh như: du lịch, kinh doanh bất động sản, giáo dục, nghệ thuật – vui chơi giải trí… đã tạo nền tảng tốt cho các cơ sở, doanh nghiệp tích cực đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo phân tích của các ngành liên quan, doanh thu bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tại Hà Tĩnh thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2019.

Tuy nhiên, những yếu tố như biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục); giá mặt hàng thịt lợn do nguồn cung hạn chế... tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường toàn tỉnh.

Do vậy, các đơn vị liên quan cần chủ động theo dõi sát diễn biến để có giải pháp bình ổn thị trường, đặc biệt là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ lớn cho nhu cầu những tháng cuối năm như lương thực, thực phẩm, xăng dầu...; xem xét các nguồn cung bổ sung và thay thế cho thịt lợn để tránh ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.

Hoàng Linh