Theo đó, mô hình tổ chức hiện tại Đường sắt Việt Nam có 3 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt gồm Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco). Hai công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh cả vận tải hàng hóa và hành khách đường sắt, riêng Công ty Ratraco chỉ kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt.
Sáp nhập hai công ty vận tải đường sắt lớn nhất Việt Nam.
Việc sáp nhập nhằm mục đích chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hoá và vận tải hành khách. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.
Phương án này cũng hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải… tận dụng lợi thế vận tải, nghiên cứu cung cấp dịch vụ trọn gói, tạo thuận lợi cho khách hàng để tăng thị phần, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động.
Việc sáp nhập Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội làm dấy lên lo ngại tăng thêm “độc quyền” của vận tải đường sắt, hoặc phép cộng cơ học giữa 2 công ty thuộc 2 miền sẽ thiếu hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, không có chuyện độc quyền khi sáp nhập 2 công ty này. “Sáp nhập để tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa 2 doanh nghiệp trong cùng tổng công ty mẹ, việc cạnh tranh nội bộ sẽ triệt tiêu năng lực của doanh nghiệp lớn, gây lãng phí chi phí”, ông Minh nói.
Hoạt động vận tải bằng đường sắt đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các phương tiện khác trong nhiều năm gần đây, trong đó có sự lên ngôi của hàng không chi phí thấp. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, Đường sắt Sài Gòn nêu thực trạng thị phần ngành giảm sâu và ngày càng trở nên yếu thế hơn so với hàng không, đường bộ và đường biển.
Do đó, kế hoạch doanh thu của Đường sắt Sài Gòn dự kiến giảm 38% còn 1.276 tỷ đồng, lợi nhuận lỗ 283 tỷ đồng. Còn Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng đang hoạt động kém hiệu quả, nhất là sau dịch Covid-19. Dự kiến tổng doanh thu năm 2020 của đơn vị này chỉ đạt hơn 1.630 tỷ, bằng 63% so với năm 2019, trong khi tổng chi phí phải chi hơn 1.900 tỷ. Như vậy, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế được dự báo âm hơn 300 tỷ.
Tâm An