Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường- vừa phối hợp với cơ quan chức năng và Công an 2 huyện Kim Thành, Thanh Hà kiểm tra tại Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin (địa chỉ tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà). Quá trình kiểm tra phát hiện có hành vi xả nước thải có màu đen, mùi thối trái phép ra sông tại địa bàn xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành.

Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin
Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin.

Trao đổi với PV, ông Ninh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Việt cho biết, UBND xã đã được nghe báo cáo về vụ việc trên.

“Thời gian qua, người dân xã Tuấn Việt đã nhiều lần phản ánh về việc Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin xả thải và ô nhiễm môi trường không khí. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri” – ông Khanh cho biết.

Hiện cơ quan Công an đang phối hợp điều tra, làm rõ, dư luận đặt câu hỏi, với hành vi xả nước thải có màu đen, mùi thối trái phép ra sông, Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin sẽ bị xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật?

Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin có hành vi xả nước thải có màu đen, mùi thối trái phép ra sông tại địa bàn xã Tuấn Việt
Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin có hành vi xả nước thải có màu đen, mùi thối trái phép ra sông tại địa bàn xã Tuấn Việt.

Trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khi nêu ý kiến về việc Công ty Cổ phần môi trường APT Seraphin có hành vi xả nước thải có màu đen, mùi thối trái phép ra sông tại địa bàn xã Tuấn Việt cho biết, theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp không được tự ý xả chất thải ra ngoài môi trường khi chưa tiến hành xử lý và có đầy đủ tiêu chuẩn của quy định.

Đối với các doanh nghiệp xử lý rác thải, chất thải như Công ty Cổ phần Môi trường APT Seraphin phải nắm bắt rất rõ. Do đó, việc tự ý xả thải ra môi trường là hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và đôi khi là làm mất hệ sinh thái tự nhiên tại địa phương đó.

Theo quy định tại Điều 31 - điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại của Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và tại điều 9 về điều kiện để được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu đã xác định, các tổ chức muốn được kinh doanh hoạt động xử lý chất thải nguy hại phải được Bộ TN&MT cấp giấy phép với nhưng điều kiện chặt chẽ. Cá nhân, tổ chức không được cấp giấy phép thì không được vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.

Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt tại điều 22 về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại nêu rõ:

“h) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại”.

Tại điều 23, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại nêu rõ:

“7. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải dưới 100 kg chất thải nguy hại… Tường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại sẽ bị phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Trường hợp các chất thải nêu trên là chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật dưới 3.000 kg thì sẽ bị xử phạt 500.000.000 đến 1.000.000.000 đồng.

Ngoài ra, sẽ bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm…”

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi của các doanh nghiệp nêu trên, xác định chất thải có phải chất thải độc hại hay không? Lượng thải ra môi trường là bao nhiêu, hành vi xả thải diễn ra bao lâu… để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi xả thải nêu trên nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hộI, có thể phải chịu TNHS về tội Gây ô nhiễm môi trường tại Điều 235 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

“Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật.... tùy thuộc vào khối lượng và trọng lượng chất thải mà sẽ có hình phạt tương ứng. Hình phạt cao nhất khi phạm tội này là phạt tù đến 7 năm kèm theo hình phạt bổ sung khác. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ là phạt tiền kèm theo đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn)” – luật sư Hoàng Tùng cho hay.

Bùi Tú