Đơn thư của Liên hiệp KH&CN tin học ứng dụng UIA tiếp tục gửi các cơ quan báo chí
Trong khi đó, công trình của Trung tâm KH&CN tin học - xây dựng Hải Dương (Trung tâm) xây dựng thì bị đình chỉ, phá dỡ; cá nhân tự nhận tiền, thỏa thuận sang nhượng bán đất trái phép…
Nhưng sự việc không được các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận?
Theo ông Vũ Thế Khanh, Giám đốc UIA: “Từ khi bắt tay vào xây dựng, chúng tôi thực hiện theo đúng quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Giấy phép của Sở Xây dựng cấp. Đây là các công trình thuộc UIA, nhưng không hiểu vì sao mà khi xử lý, phía cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương lại cho rằng, các công trình đang xây dựng trái phép nên vào cuộc xử lý, đình chỉ và phá dỡ các công trình xây dựng hợp pháp, đã được cấp phép đầy đủ của cấp có thẩm quyền?”.
Sự việc đã kéo dài hơn 10 năm qua, gây thiệt hại, lãng phí tiền bạc của Nhà nước, công sức, tâm huyết của tập thể cán bộ lãnh đạo UIA và Trung tâm.
Sau khi Trung tâm được các cấp có thẩm quyền tỉnh Hải Dương phê duyệt, cấp đất và quyết định cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị cho hoạt động, xét trên tình hình thực tế, nếu chỉ để Trung tâm hoạt động, sẽ không khai thác hết thế mạnh và đạt được hiệu quả như mong muốn, lãng phí cơ sở vật chất và tốn kém diện tích đất, do vậy, tháng 11/2003, UIA đã lập Đề án thành lập Trường Dân lập dạy nghề kỹ thuật công nghệ cao UIA - Hải Dương với mục đích, Trung tâm sẽ xây dựng cơ sở vật chất như trụ sở, nhà xưởng thực hành… đúng như quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Trường Dân lập dạy nghề kỹ thuật công nghệ cao UIA - Hải Dương hoạt động “song hành” cùng trên diện tích đất và cơ sở của Trung tâm để tận dụng hết công năng, đáp ứng việc đào tạo nhân lực, học tập của con em nhân dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Chủ Đề án, do ông Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc UIA thực hiện.
Ngày 5/2/2004, Sở LĐ-TB&XH cùng UIA thẩm định Đề án thành lập Trường Dân lập dạy nghề kỹ thuật công nghệ cao UIA - Hải Dương. Tại biên bản thẩm định, đã kết luận: “… Trường Dân lập dạy nghề kỹ thuật cao UIA - Hải Dương (thuộc UIA) đủ điều kiện thành lập và tham gia hoạt động dạy nghề trong hệ thống đào tạo nghề của tỉnh Hải Dương”.
Do vậy, ngày 9/2/2004, Sở LĐ-TB&XH đã có Tờ trình số 77/TTr-LĐTBXH gửi UBND tỉnh “Về việc thành lập Trường Dân lập dạy nghề kỹ thuật công nghệ cao UIA - Hải Dương”.
Trong đó có nội dung: “… Địa điểm dự kiến tại phường Thanh Bình, TP. Hải Dương (đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 5269/QĐ-UB ngày 28/11/2002). Bởi 2 đơn vị, nhưng đều do UIA thành lập nên việc đề nghị trên cùng diện tích đất và xây dựng cơ sở vật chất - đã được phê duyệt cũng là lẽ thường tình, giảm chi phí và tốn kém nguồn quỹ đất.
Việc làm của UIA, đã được các cấp chính quyền, ban, ngành của tỉnh Hải Dương đồng thuận. Do vậy, ngày 13/2/2004, UBND tỉnh có Công văn số 89/CV-UB về việc thỏa thuận thành lập Trường Dân lập dạy nghề công nghệ cao UIA, gửi Bộ LĐ-TB&XH.
Diện tích 4.640 m2 bỏ hoang hóa
Xét thấy điều kiện thực tế phù hợp, góp phần đa dạng hóa loại hình đào tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương đang phát triển công nghiệp, ngày 8/4/2004, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 1076/LĐTBXH-TCDN về việc thành lập Trường Dân lập dạy nghề công nghệ cao UIA. Trong đó, có nội dung:
“1. Đồng ý về nguyên tắc việc thành lập Trường Dân lập dạy nghề công nghệ cao UIA.
2. Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH thẩm định các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo… theo đúng các quy định hiện hành, trước khi cấp giấy đăng ký hoạt động dạy nghề cho trường”…
Sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 21/4/2004, UBND tỉnh ký Quyết định số 1514/2004/QĐ-UB thành lập Trường Dân lập dạy nghề công nghệ cao UIA Hải Dương (thuộc UIA).
Ngày 21/12/2006, UBND tỉnh ký Quyết định số 4373/QĐ-UBND đổi tên trường thành Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức (thuộc UIA).
Tại quyết định này, địa điểm của trường đã được UBND tỉnh đồng thuận theo như đề xuất của UIA, trên cùng vị trí đất mà trước đây (ngày 28/12/2002), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5629/QĐ-UB về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trung tâm KH&CN tin học - xây dựng Hải Dương, để xây dựng trụ sở và xưởng thực nghiệm; tại Tờ bản đồ số 11, phường Thanh Bình, TP. Hải Dương, mục đích sử dụng đất: lâu dài.
Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của trường, thực hiện theo Quyết định số 1514/2004/QĐ-UB ngày 21/4/2004 của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật.
Ngày 13/3/2007, Sở LĐ-TB&XH đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số 01/2007/GCNĐKDN cho Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức (địa chỉ trụ sở chính: số 52 Nguyễn Lương Bằng, phường Thanh Bình, TP. Hải Dương).
Do đó, có thể nói, 2 đơn vị thuộc UIA được thành lập đầy đủ trình tự thủ tục pháp lý của cấp có thẩm quyền. Tỉnh Hải Dương cũng đã nhất trí cho Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức, nằm trong cơ sở của Trung tâm KH&CN tin học - xây dựng Hải Dương, được phê duyệt theo Quyết định số 2916/QĐ-UB về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, trên toàn bộ diện tích đã được cấp 4.640 m2 (tại phường Thanh Bình, TP. Hải Dương).
Trung tâm KH&CN tin học - xây dựng Hải Dương và Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức, có thể nói “tuy 2 nhưng là 1” (bởi đều thuộc UIA) lập Đề án thành lập, quản lý, điều hành…
Chính vì vậy, ngày 24/6/2004, UIA đã ký quyết định thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các công trình đã được phê duyệt. Trong đó, Trưởng ban dự án là lãnh đạo Trường Dân lập dạy nghề kỹ thuật công nghệ cao UIA - Hải Dương (sau đổi tên là Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức) và Phó ban quản lý dự án là lãnh đạo Trung tâm KH&CN tin học - xây dựng Hải Dương.
Liên hiệp chỉ đạo đơn vị trực thuộc (Trung tâm KH&CN tin học - xây dựng Hải Dương) xây dựng các công trình đúng với Giấy phép số 01/GPXD và Giấy phép xây dựng số 20/GPXD - đã được Sở Xây dựng cấp. Trước khi xây dựng công trình chính, Ban quản lý dự án tiến hành xây dựng nhà tạm, nhà cấp 4 để làm nơi ở cho Ban quản lý điều hành, công nhân, chứa vật liệu…; tuy nhiên, lại nhận được quyết định của UBND phường Thanh Bình và UBND TP. Hải Dương, yêu cầu ngừng thi công, với lý do: “… Các công trình nhà tạm, nhà cấp 4 cũng phải xin phép xây dựng và theo quy hoạch đã được phê duyệt”.
Chính vì vậy, khi Trung tâm và trường thi công công trình, thì chính quyền phường, thành phố lại ngăn cản, phá dỡ; thu giữ vật tư, vật liệu và tài sản.
Theo ông Khanh, việc xây dựng các công trình của 2 đơn vị thuộc UIA bảo đảm đúng theo giấy phép đã được cấp của Sở Xây dựng. Bởi trên cùng một thửa đất, không thể “mọc thêm” được công trình của Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức. Sở Xây dựng không thể cấp phép cho 2 công trình trên cùng một diện tích đất. Vì vậy, đã hơn 10 năm, diện tích đất trên bị bỏ hoang và phía UIA đã có nhiều đơn thư, văn bản gửi chính quyền tỉnh, nhưng đã không nhận được một quyết định nào rõ ràng.
Trong khi đó, Sở TN&MT lại đề xuất thu hồi lại diện tích đất đã cấp cho Trung tâm, nguyên nhân do chậm triển khai dự án.
Dư luận và Ban lãnh đạo UIA đặt câu hỏi: Liệu rằng, chính quyền tỉnh Hải Dương có vì mục đích chung hay còn vì lợi ích nào khác?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tuấn minh