Trụ sở Công ty Xi măng Phúc Sơn tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
Dự án bỏ hoang 23 năm
Đi trên đường Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) sầm uất, đông đúc dân cư, hình ảnh dễ dàng nhìn thấy một khu đất “vàng” vuông vức, với diện tích khoảng 2.000 m2 luôn kín cổng cao tường, nhưng không che được cỏ dại mọc um tùm.
Khi chúng tôi hỏi một số người dân sống gần lô đất bỏ hoang, mọi người đều lắc đầu ngao ngán… Bởi vị trí lô đất ở địa điểm quá lý tưởng, khó tìm trên địa bàn TP. Hải Dương được một diện tích đất như vậy. Nhưng đã hơn 20 năm qua, nó không được sử dụng, các gia đình lân cận tiếc đất đã tận dụng diện tích này, để sang trồng chuối, rau, nuôi gà và chứa vật liệu.
Trao đổi với phóng viên, ông Cương, ngõ 5, đường Lê Thánh Tông, nhà gần lô đất bỏ hoang cho biết:
“Đã hơn 2 thập kỷ trôi qua, sống ở đây nên tôi biết rất rõ, một khu đất đẹp như vậy mà bỏ hoang, vô cùng lãng phí bao năm qua như vô chủ. Vậy mà, chính quyền thành phố, tỉnh Hải Dương không có giải pháp thu hồi cho tập thể, hay cá nhân nào thuê lại, gây lãng phí nguồn tài nguyên của Nhà nước, thất thoát lớn nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Bởi nếu diện tích đất này cho thuê, thì hàng năm thu số tiền ít nhất cũng đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, không hiểu sao, đơn vị nào từ ngày thuê đất đến nay, không hề triển khai dự án, chỉ xây được tường rào bao quanh và làm được 2 cái cổng vào”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 7/11/1996, xét đề nghị của UBND tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) qua Công văn số 675-TT/UB ngày 14/9/1996 và của Tổng cục Địa chính, Công văn số 1411/TT/ĐC ngày 25/10/1996. Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 82/TTg về việc cho Công ty Xi măng Hải Hưng thuê đất tại số 5, đường Thống Nhất, phường Trần Phú, TX. Hải Dương (nay là phường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương) để xây dựng trụ sở xi măng Công ty Phúc Sơn. Trong đó, Quyết định ghi rõ:
Điều 1 – Thu hồi 2.146 m2 đất tại số 5, đường Thống Nhất, phường Trần Phú, TX. Hải Dương và cho Công ty Xi măng Hải Hưng thuê toàn bộ diện tích đất trên, để xây dựng trụ sở Công ty Xi măng Phúc Sơn.
Vị trí ranh giới khu đất cho thuê xác định, theo tờ bản đồ địa chính khu đất xây dựng trụ sở Công ty Xi măng Phúc Sơn, được UBND tỉnh Hải Hưng duyệt ngày 14/9/1996. Thời hạn cho thuê đất là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư. Giá trị tiền thuê 2.146 m2 đất trong 50 năm, giao cho Công ty Xi măng Hải Hưng sử dụng để góp vốn liên doanh của bên Việt Nam, trong Công ty Xi măng Phúc Sơn. Công ty Xi măng Hải Hưng có trách nhiệm ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính Hải Hưng, nhận nợ và hoàn trả tiền thuê đất theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 2 – Căn cứ vào Điều 1 của Quyết định này, UBND tỉnh Hải Hưng có trách nhiệm: Xác định mốc giới khu đất cho thuê trên bản đồ và trên thực địa đăng ký vào sổ địa chính Nhà nước, Cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty Xi măng Phúc Sơn. Chỉ đạo thu tiền nộp ngân sách nhà nước, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng đất theo đúng Luật Đất đai. Sau đó, UBND tỉnh Hải Hưng đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty Xi măng Phúc Sơn. Từ đó cho đến nay, diện tích đất này đã 23 năm bỏ hoang hóa, không thực hiện dự án.
Với trách nhiệm đã được giao rõ ràng cụ thể, nhưng không biết vì sao trong một thời gian dài gần hết nửa thời gian giao đất mà liên doanh giữa Công ty Xi măng Hải Hưng và Xi măng Phúc Sơn không triển khai dự án?
Dự án xin “khởi động” lại có đúng luật?
Vì sao trong thời gian dài, dự án bỏ hoang, đất “vàng” bị lãng phí, mà tỉnh Hải Dương không có giải pháp thu hồi diện tích đất này?
Và thật “trớ trêu”, mới đây, Công ty Xi măng Phúc Sơn đã có Văn bản số 149/CVPS ngày 17/5/2019, về việc: Báo cáo phương án sử dụng đất gửi chính quyền và một số sở, ban, ngành… tỉnh Hải Dương.
Trong đó, Công ty Xi măng Phúc Sơn đã giải trình nguyên nhân khiến 23 năm dự án chậm tiến độ, đề nghị được tiếp tục “khởi động” lại dự án (?!).
Trong đó, nêu ra những nguyên nhân:
“Công ty, do khó khăn từ nguyên liệu đầu vào như là đá vôi được khai thác từ các mỏ đá của công ty (mỏ Nhẫm Dương) bị tỉnh Hải Dương thu hồi để bảo vệ Di tích Quốc gia đặt biệt An Phụ - Nhẫm Dương. Các mỏ đá Trại Sơn A và Trại Sơn C nằm trên địa bàn tỉnh khác nên không nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền (TP. Hải Phòng). Mặc dù, công ty đã bỏ ra số kinh phí rất lớn gần 500 tỷ đồng, để đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư khu vực bán kính an toàn, của 2 mỏ Trại Sơn A và Trại Sơn C là 200m.
Người dân nằm ngoài bán kính an toàn các mỏ đá nói trên, đã kéo lên ngăn chặn hoạt động sản xuất của công ty, kiến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình chệ, sản phẩm xi măng không đủ cung ứng cho thị trường, công nhân không có việc làm… thiệt hại rất lớn cho công ty.
Những nguyên nhân trên, đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính, các kế hoạch xây dựng phải dừng lại do không có kinh phí, dự án xây dựng Nhà văn phòng tại đường Thống Nhất, TP. Hải Dương cũng nằm trong ảnh hưởng của tình trạng này. Ngay từ thời điểm năm 2013, công ty đã có kế hoạch xây dựng tòa nhà Văn phòng tại khu đất đường Thống Nhất nên mới tiến hành cho tháo dỡ khu nhà cũ và triển khai các bước tiếp theo, đã báo cáo cơ quan thẩm quyền.
TP. Hải Dương đã có ý kiến tại Văn bản số 301/UBND-QLĐT ngày 5/5/2008; tuy nhiên trải qua thời gian quy hoạch không gian, tổng thể của thành phố cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Do đó, công ty đang xin ý kiến về quy hoạch và xem xét quy mô đầu tư xây dựng cho phù hợp, quyết định tạm dừng thi công.
Chính vì vậy, để ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp, sẽ tiến hành cân đối nguồn tài chính để tiến hành xây dựng Nhà văn phòng tại đường Thống Nhất, TP. Hải Dương. Song song với đó, sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để được phép xây dựng và lập hồ sơ xin chuyển đổi công năng của trạm trung chuyển để báo cáo UBND tỉnh xin chuyển đổi mục đích dự án”…
Diện tích đất bỏ hoang 23 năm, trên đường Thống Nhất, TP. Hải Dương, Công ty Xi măng Phúc Sơn đang xin khởi động lại dự án
Phương án, Công ty Xi măng Phúc Sơn đưa ra để sử dụng khu đất “vàng” bỏ hoang ở đường Thống Nhất suốt 23 năm qua, như sau:
“Sau khi nghiên cứu, điều tra thị trường để phù hợp với đặc điểm của công ty, đã quyết định và tiến hành xây dựng Tòa nhà Văn phòng đa chức năng, vừa sử dụng làm văn phòng giao dịch, giới thiệu sản phẩm, một phần có thể cho thuê làm văn phòng đại diện, các tổ chức tín dụng…
Ngày 2/1/2019, Công ty Xi măng Phúc Sơn đã ký hợp đồng kinh tế về việc tư vấn công trình Nhà văn phòng với Công ty Cổ phần Tư vấn quy hoạch và thiết kế xây dựng Hải Dương để thực hiện các công việc lập dự án đầu tư, thiết kế tổng mặt bằng, thiết kế phương án kiến trúc, lập quy hoạch chi tiết, nhiệm vụ quy hoạch, trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, xin chủ trương thực hiện.
Đến tháng 5/2019, công ty hoàn thành xong việc lập dự án đầu tư, thiết kế tổng thể mặt bằng, thiết kế phương án kiến trúc, lập quy hoạch chi tiết, nhiệm vụ quy hoạch. Các bước dự kiến tiếp theo: Thánh 6 – 7/2019, xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, tháng 7 – 10/2019, hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác, như thiết kế chi tiết, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy… để xin giấy phép xây dựng.
Tháng 11/2019, Công ty Xi măng Phúc Sơn dự kiến khởi công xây dựng dự án… Công ty cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và sẽ tiến hành cân đối nguồn tài chính để tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý, để được phép chuyển đổi mục đích dự án, nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động trở lại, dự kiến vào đầu năm 2020…”.
Việc dự án sau 23 năm bị bỏ hoang hóa cho cỏ dại mọc; nay lại xin phép xin chuyển đổi mục đích sử dụng và khởi động lại, đang khiến dư luận TP. Hải Dương đặc biệt quan tâm, đặt ra câu hỏi:
Với những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về Luật Đất đai như vậy, dự án này có được tiếp tục thực hiện hay không?
Tại sao trong thời gian dài, chính quyền tỉnh Hải Dương không thu hồi dự án và những giải trình của Công ty Xi măng Phúc Sơn có “thấu tình, đạt lý”?
Diện tích đất tại đường Thống Nhất, TP. Hải Dương có được giao riêng cho Công ty Xi măng Phúc Sơn, hay không, mà công ty này lại có văn bản đề nghị như vậy?
Bởi trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ghi rõ: “Ngày 7/11/1996, xét đề nghị của UBND tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) qua Công văn số 675-TT/UB ngày 14/9/1996 và của Tổng cục Địa chính, Công văn số 1411/TT/ĐC ngày 25/10/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 82/TTg, về việc cho Công ty Xi măng Hải Hưng thuê đất tại số 5, đường Thống Nhất, phường Trần Phú, TX. Hải Dương (nay là phường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương) để xây dựng trụ sở xi măng Công ty Xi măng Phúc Sơn. Trong đó, Quyết định ghi: Điều 1 – Thu hồi 2.146 m2 đất tại số 5, đường Thống Nhất, phường Trần Phú, TX. Hải Dương và cho Công ty Xi măng Hải Hưng thuê toàn bộ diện tích đất trên, để xây dựng trụ sở Công ty Xi măng Phúc Sơn”…
Hiện nay, Công ty Xi măng Phúc Sơn đứng ra làm Vvăn bản đề nghị được xây dựng dự án, có đúng quy định không?
Dư luận còn đặt ra hàng loạt câu hỏi:
Tại sao, đã 23 năm dự án không triển khai mà không bị thu hồi? Trong 23 năm qua, ai là người đóng tiền thuê đất ? Hiện nay, Công ty Xi măng Hải Hưng có còn hoạt động không? Tính pháp lý của liên danh này, có còn không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào của tỉnh Hải Dương?...
Tuấn Minh