THCL Ông Bùi Quang Minh, chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự (THADS) Hải Phòng vừa bị Công ty TNHH In và quảng cáo Trường Hồng (Công ty Trường Hồng; trụ sở: Số 1054, khu 12 Lũng Bắc, phường Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng) gửi đơn thư tố cáo tới các cơ quan chức năng.

Hải Phòng: DN “tố” chấp hành viên cưỡng chế tài sản không thế chấp ngân hàng - Hình 1

 Bà Hồng, GĐ Công ty Trường Hồng viết đơn tố cáo chấp hành viên cưỡng chế cả tài sản không thế chấp NH

Theo đơn thư tố cáo, ngày 12/10/2016, chấp hành viên Bùi Quang Minh cùng đại diện Eximbank Hải Phòng và đại diện chính quyền xã Đông Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cưỡng chế kê biên xưởng sản xuất của Công ty Trường Hồng tại địa điểm xã Đông Sơn (Thủy Nguyên).

Nội dung sự việc bắt nguồn từ việc Công ty Trường Hồng thế chấp một số tài sản liên quan đến dây chuyền sản xuất, nhà xưởng gắn liền với thửa đất 10.829,2 m2 đất để vay 17,5 tỷ đồng của Eximbank Hải Phòng từ năm 2009. Tháng 12/2012, Trường Hồng đã trả cho Eximbank 11,2 tỷ đồng và xin NH tiếp tục tài trợ vốn lưu động.

Tuy nhiên, Eximbank Hải Phòng không đồng ý và yêu cầu Trường Hồng buộc phải trả cả gốc và lãi cho Eximbank. Hai bên đàm phán nhiều lần, có sự chứng kiến của trọng tài là TAND quận Hải An. Đến tháng 9/2016, Cục THADS Hải Phòng có quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của Trường Hồng (không xác định thời điểm cưỡng chế kê biên cụ thể) tại xưởng sản xuất mà Trường Hồng đã thế chấp cho NH.

Trao đổi với PV, bà Hồng, Giám đốc Công ty Trường Hồng bức xúc: “Tháng 9/2016, tôi bị tai nạn gẫy xương bả vai và gẫy chân. Tôi đã có đơn gửi lên Cục THADS xin hoãn việc cưỡng chế kê biên kèm chứng nhận của bệnh viện. Ngày 12/10/2016, tôi vẫn đang điều trị ở bệnh viện. Tại xưởng, có hơn 40 công nhân đang sản xuất để kịp tiến độ cho 6 đơn hàng lớn của các công ty nước ngoài; trong khi đó, chấp hành viên Cục THADS và cơ quan chức năng đến đuổi hết mọi người ra ngoài mà không có một thông báo nào trước đó?

Ông Minh cho ngừng dây chuyền sản xuất và niêm phong toàn bộ tài sản. Trong số những tài sản bị niêm phong, có nhiều tài sản (trị giá hơn 4 tỷ đồng) các đối tác gửi, không phải tài sản của Trường Hồng và không thuộc danh mục tài sản Trường Hồng thế chấp NH”.

Bà Hồng nói: “Thời điểm chấp hành viên đuổi công nhân ra ngoài và niêm phong tài sản thì chúng tôi đang phải trả hàng cho rất nhiều đơn hàng, trong đó có 6 hợp đồng với các đối tác nước ngoài; mỗi hợp đồng tối thiểu cũng trị giá 3 tỷ đồng. Mỗi ngày, chúng tôi ngừng hoạt động sẽ thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Quan trọng hơn là uy tín với các đối tác mà chúng tôi xây dựng 20 năm nay.

Nếu chấp hành viên làm đúng quy định của pháp luật, chúng tôi có thể vừa đảm bảo uy tín với khách hàng, đảm bảo việc đàm phán và trả nợ cho NH. Chúng tôi không trốn nợ mà chỉ đàm phán để NH tạo điều kiện trả nợ mà không lâm vào cảnh ra đường”.

Trao đổi với PV về vụ việc trên, Chánh văn phòng Cục THADS Hải Phòng khẳng định: “Toàn bộ việc ông Bùi Quang Minh làm là đúng trình tự, thủ tục THADS”.

Ông Trần Hồng Quang, Cục trưởng Cục THADS Hải Phòng cho biết: “Công ty Trường Hồng đã rút đơn tố cáo chấp hành viên Bùi Quang Minh và Cục THADS Hải Phòng sẽ trả lại tài sản cho công ty để họ hoạt động tiếp. Nhưng nghĩa vụ trả nợ cho NH thì họ vẫn phải thực hiện”.

Ông Bùi Quang Minh, chấp hành viên của Cục THADS Hải Phòng bị Công ty Trường Hồng kiện cho rằng mình không  thực hiện sai quy trình. “Nếu tôi có sai, người có thẩm quyền là VKS đã phán xét rồi”, ông Bùi Quang Minh khẳng định.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin liên quan đến về vụ việc trên.

Bùi Tú