Ngày 20/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ sự tin tưởng vào hợp tác với Nga và Triều Tiên, đặc biệt là dự án chung đường ống dẫn khí đốt.
“Khi một chế độ hòa bình được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế liên Triều cũng sẽ được kích hoạt và nó sẽ liên quan tới hợp tác kinh tế cùng Nga”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh với giới truyền thông Nga.
Hàn Quốc trông đợi tín hiệu tích cực từ Triều Tiên khuyến khích Nga làm dự án đường ống dẫn khí đốt
Ông Moon nhấn mạnh quan điểm chung với Nga về Chính sách Phương Đông mới của Tổng thống Putin, đặc biệt là hợp tác phát triển vùng Viễn Đông Nga.
“Chế độ hòa bình giữa 2 miền Triều Tiên cũng cần được phát triển thành chế độ an ninh và hòa bình đa quốc gia cho tất cả các nước Đông Bắc Á. Hàn Quốc và Nga, tôi và Tổng thống Putin sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau” - Tổng thống Moon Jae-in cho biết thêm.
Tổng thống Hàn Quốc dẫn chứng những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác kinh tế 3 bên là hệ thống đường sắt, các đường ống dẫn khí gas và mạng lưới điện giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Nga.
Những tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thống Nga tại Văn phòng của ông trước khi lên đường thăm Nga.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Triều Tiên tới Hàn Quốc cũng đã được ông Vitaly Markelov - Phó Chủ tịch Ủy ban Điều hành Tập đoàn năng lượng Gazprom Nga chia sẻ từ hồi giữa tháng 6.
Theo đó, Gazprom đã nối lại các cuộc đàm phán với phía Hàn Quốc về dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt đi qua lãnh thổ Triều Tiên.
Cuộc đàm phán về dự án đường ống dẫn khí đã từng được thiết lập từ năm 2011 nhưng sau đó đã phải ngừng lại do quan hệ giữa hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên căng thẳng.
Hồi tháng 3, Seoul thông báo rằng họ sẵn sàng tiếp tục dự án. Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, “nếu Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán về hợp tác năng lượng Đông Bắc Á, đây sẽ là chất xúc tác giúp giảm căng thẳng địa chính trị trong khu vực”.
Hàn Quốc đang rất cần năng lượng. Nước này bị buộc phải mua các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn. Các nhà phân tích ước tính nếu đường ống được xây dựng, Hàn Quốc sẽ giảm một nửa chi phí khí đốt đưa đến đất nước.
Đáng chú ý là đường ống này không chuyển khí đến Triều Tiên. Điều này là có lý do.
Cho đến hiện tại, Bình Nhưỡng vẫn chưa được gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, những báo cáo của thế giới đều đổ lỗi cho Nga rằng nước này đã ngấm ngầm "lách" các đòn trừng phạt nhằm "bơm" nhiên liệu cho Triều Tiên, giúp nước này các dự án nghiên cứu vũ khí hạt nhân.
Cả Nga và Trung Quốc đều bị chỉ trích vì “làm ăn” với Triều Tiên, có khả năng giúp Bình Nhưỡng chống lại các lệnh trừng phạt.
Nga cũng có mối liên hệ với Bình Nhưỡng khi số lượng lớn lao động Triều Tiên đã tới Nga làm việc.
Do đó, sự phát triển kinh tế và hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng trở thành vấn đề nhạy cảm.
Đường ống dẫn khí đốt dự kiến nối từ Nga - Triều Tiên - Hàn Quốc. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh có nhiều diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên như hiện nay, những động thái thể hiện cam kết thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa đi vào thực tế thì trường hợp Nga mở đường óng dẫn khí đốt cho Triều Tiên sẽ biến nước này thành quốc gia ngang nhiên vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Điều đó khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ngỏ lời mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Nga trong một sự kiện xa xăm hơn vào tháng 9 tại Diễn đàn kinh tế Viễn Đông.
Nơi đây có thể là dịp để ông Kim Jong-un kêu gọi giới đầu tư của Nga vào Triều Tiên mà một ông lớn như Gazprom chắc chắn không thể bỏ lỡ.
Song hành cùng việc kêu gọi gỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên, hợp tác Nga- Triều chắc chắn phải được đi tắt đón đầu để giành lấy cơ hội phát triển các dự án kinh tế có giá trị cực lớn.
Hàn Quốc trong bối cảnh vừa muốn có đường ống dẫn khí đốt cho giá nhiên liệu thấp hơn, vừa là bên hòa giải mâu thuẫn Mỹ- Triều Tiên thì cần phải chú ý tới việc thực hiện các cam kết của cả Bình Nhưỡng và Washington, đảm bảo các bên thực hiện đúng lời hứa và sớm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực.
Trong bối cảnh này, đường ống dẫn khí của Gazprom tới Hàn Quốc sẽ còn phụ thuộc mạnh mẽ vào tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng.
Theo Báo Đất Việt