Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến thời điểm này nhu cầu mua sắm Tết tại hầu hết các tỉnh, thành phố khá nhộn nhịp và tăng so với ngày thường. So với Tết năm trước, giá cả và nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng thấp hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tại các địa phương có ổ dịch bùng phát.

Trong những ngày qua, nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích khá phong phú, đa dạng kết hợp với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên giá cả hàng hoá tương đối ổn định, thu hút khá đông người mua hàng do phát huy lợi thế vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa và giá cả bình ổn.

Tại các chợ dân sinh, hàng hóa tương đối dồi dào để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Nhu cầu mua sắm trong những ngày cận Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ uống, hoa, quả tươi... Mặt hàng cây cảnh, đào, quất, hoa các loại đa dạng, phong phú về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu chơi Tết của nhân dân.

Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu tái định cư, các khu công nghiệp, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong đó tập trung chủ yếu vào hàng trong nước, trong tỉnh sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền

Theo đó, giá thịt lợn có xu hướng ổn định trong những ngày gần Tết do nguồn cung đã được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá thịt bò, gà tăng từ 5-10% so với ngày thường. Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến (giò, bánh chưng) ổn định so với ngày thường.

Nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi nên giá hầu hết các loại rau củ quả đều có xu hướng thấp hơn so với Tết năm trước. Giá của các mặt hàng nông sản khô không tăng so với ngày thường. Giá các mặt hàng rượu bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định so với ngày thường.

Ngọc Khánh