Theo Bộ Công Thương, so với tháng trước, hàng hóa tồn kho ngành chế biến, chế tạo có dấu hiệu gia tăng. Hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp có dấu hiệu khó khăn hơn khi thị trường thế giới bị thu hẹp.
Số liệu từ Bộ Công Thương, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 09/2022 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 09 tháng năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 2,8%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/09/2022 tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy vậy, mức tăng hàng hóa tồn kho đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái (cùng thời điểm năm trước tăng 28,2%).
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4% (bình quân 09 tháng năm 2021 là 81,1%).
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ Công Thương thì hướng bảo hộ thương mại khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước;
Dịch bệnh Covid -19 có xu hướng gia tăng trở lại, trong khi đó xuất hiện những yếu tố mới, nhất là là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, Liên minh Châu Âu - EU có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới và khu vực trong ngắn hạn.
Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu…Đáng chú ý, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước.
Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.
Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế... dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).
Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa!
Hải Dương (t/h)