Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm tiến độ gần 2 năm

Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 2x600 MW, đến nay tiến độ tổng thể đạt 72% (thiết kế 98,3 %; mua sắm 95,75 %; thi công 71,87 %; chạy thử 0,21 %). Dự án bị chậm khoảng 24,28 % so với kế hoạch (khoảng 24 tháng so với tiến độ cấp 3 được duyệt).

Các hạng mục thuộc nhà máy chính (lò hơi, turbine, hệ thống điện và hệ thống điều khiển trung tâm nhà máy) cơ bản đáp ứng tiến độ cấp 3. Mốc hoàn thành dự án đang phụ thuộc trực tiếp vào hạng mục FGD.

Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm tiến độ khoảng 24 tháng

Theo kế hoạch hiện tại, nhà thầu dự kiến vận hành tổ máy 1 vào tháng 5/2021, tổ máy 2 vào tháng 9/2021.
Các vướng mắc chủ yếu tại dự án này bao gồm: Chưa có quy định phương thức điều chỉnh giá hợp đồng EPC nên chủ đầu tư và tổng thầu gặp nhiều khó khăn trong thanh toán do đó chưa đáp ứng tiến độ thi công; một số nhà thầu phụ có năng lực hạn chế nên không huy động đủ máy móc, nhân lực, tài chính để thực hiện công việc; các định mức đơn giá do nhà nước ban hành chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp...

Nhiều vướng mắc tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1

Trong 3 nhà máy nhiệt điện than PVN đang đầu tư, Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (vốn đầu tư hơn 29.500 tỷ đồng) được đánh giá khó khăn hơn cả.

Theo Cục điện lực và năng lượng tái tạo, dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 2x600 MW. Đến hết tháng 2/2019, khối lượng công việc ước tính đạt 77,56% so với kế hoạch.

Dự kiến tổ máy số 1 và số 2 sẽ đưa vào hoạt động năm 2023, tuy nhiên dự án đang bị chậm tiến độ do những khó khăn vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Mỹ đối với nhà thầu Power Machines (PM).

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 có thể thành đống sắt gỉ nếu không sớm tiếp tục được triển khaiDự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đang bị chậm tiến độ do những khó khăn vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Mỹ đối với nhà thầu Power Machines (PM)

Theo đó, các hàng hóa liên quan đến doanh nghiệp Mỹ không thể tiếp tục giao dịch với PM; Các hợp đồng đã ký giữa PM với thầu phụ không thể giao dịch bằng đồng USD. Do đó PM không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC dự án.

Tại dự án này, nhà thầu Power Machines hiện không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vì không giải quyết được các khó khăn/vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận và đã đề xuất PVN xem xét phương án cấu trúc lại và hoặc chấm dứt thực hiện Hợp đồng EPC.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết đã yêu cầu PVN là chủ đầu tư dự án khẩn trương đàm phán với PM về các phương án và đề xuất phương án xử lý tối ưu (giảm thiểu thiệt hại cho Việt Nam, sớm đưa dự án vào hoạt động), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Thiếu vốn trầm trọng tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, nổi danh vì là trọng tâm của đại án PVC khiến một loạt cựu lãnh đạo ngành dầu khí hầu tòa.

Tính đến cuối tháng 6/2019, tiến độ tổng thể của dự án đạt 84,14%, (thiết kế 99,57 %; ký các hợp đồng mua sắm 95 %; gia công, chế tạo và vận chuyển 93,79 %; thi công 81,98 %; chạy thử 3,51 %).

Theo dự kiến, tổ máy số 1 sẽ đưa vào hoạt động năm 2020, tổ máy số 2 năm 2021 tuy nhiên dự án đang bị chậm tiến độ do những khó khăn vướng mắc như: PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC dự án nhiệt điện than; PVC sử dụng tiền tạm ứng cho dự án (1.000 tỷ) vào mục đích khác gây thiếu vốn thực hiện dự án.

Đặc biệt dự án thiếu vốn do không thể giải ngân vốn vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh (khoảng 326,8 triệu USD do hết hạn giải ngân, không ký được hợp đồng vay vốn trong nước khoảng 7.000 tỷ cho dự án).

PVX là tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2Theo báo cáo của PVN, cần khoảng 2.500 tỷ đồng để bù đắp các khoản do Tổng thầu PVC đã làm mất và chi phí phát sinh do dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ

Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, tiến độ tổng thể đạt 84,14%, hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện.

Tuy nhiên, dự án vẫn bị chậm tiến độ do những khó khăn vướng mắc như PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC dự án nhiệt điện than; ngoài ra PVC sử dụng tiền tạm ứng cho dự án (1000 tỷ đồng) vào mục đích khác gây thiếu vốn thực hiện dự án.

Theo báo cáo của PVN, cần khoảng 2.500 tỷ đồng để bù đắp các khoản do Tổng thầu PVC đã làm mất và chi phí phát sinh do chậm tiến độ.

Ngoài ra, dự án này cũng khó khăn khi thiếu hụt nguồn vốn: Khoảng 326,8 triệu USD vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018 (chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn); khoảng 7.100 tỷ đồng dự kiến vay trong nước chưa ký được hợp đồng vay.

Để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cần có ý kiến của các bộ, cơ quan chức năng, đặc biệt là ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện vốn nhà nước tại PVN.

Tuy nhiên, đến nay Cục vẫn chưa nhận được ý kiến của các bộ, ngành. Cục điện lực cho biết sẽ chủ động chuẩn bị dự thảo để đến ngày 20/7/2019. Kể cả trường hợp vẫn chưa đủ ý kiến bộ ngành, Cục vẫn sẽ trình Lãnh đạo Bộ dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của PVN.

Dự án Long Phú 3 sẽ lựa chọn chủ đầu tư thay thế PVN

Dự án Long Phú III có công suất 1.800 MW (3x600 MW) thuộc Trung tâm điện lực Long Phú, tỉnh Tiền Giang. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án do PVN làm chủ đầu tư và có tiến độ vận hành năm 2021-2022. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc lựa chọn chủ đầu tư khác thay thế PVN.

Phối cảnh Dự án Long Phú IIIPhối cảnh Dự án Long Phú 3

Ngày 18/6/2019, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 522/BCT-ĐL gửi Thủ tướng chính phủ để xem xét, quyết định chủ đầu tư dự án. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan (văn bản số 1783/VPCP-CN) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, các dự án như: Nhơn Trạch, Miền Trung, Sơn Mỹ, Kiên Giang, PVN vẫn đang thực hiện thủ tục đầu tư. Các dự án này hầu như đều chậm tiến độ phát điện 2,5 - 3,5 năm so với yêu cầu của Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Cụ thể, đối với Nhơn Trạch 3 và 4, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 27/2/2019 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

PVPower đang tiến hành công tác chấm thầu lựa chọn nhà thầu “Tư vấn khảo sát xây dựng và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi” đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, EVN tiến hành đàm phán Hợp đồng mua bán điện.

Thời gian dự kiến các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vận hành năm 2022 và Nhơn Trạch 4 vận hành năm 2023.
Đối với dự án Miền Trung 1 và 2, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đối với Pre-FS và yêu cầu PVN giải trình theo ý kiến của Ủy ban.

Ngày 19/6/2019, PVN đã có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giải trình và ngày 12/7/2019 Bộ Công Thương đã có Văn bản số 4995/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Pre-FS dự án (đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đối với giải trình của PVN). Thời gian dự kiến các nhà máy điện vận hành năm 2024-2025.

Theo báo cáo về việc thực hiện các dự án năng lượng trong quy hoạch điện VII của đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (tại cuộc họp Bộ Công Thương ngày 17/7/2019), cho thấy tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong đó, PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án.

“Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho hay.

Tuấn Ngọc