Các DNNN muốn lùi thời hạn CPH là Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD). Đây là 3 "ông lớn" mà Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng xin điều chỉnh thời hạn CPH từ năm 2019 sang 2020.

Ở ngành viễn thông là Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng không nằm ngoài danh sách xin điều chỉnh lộ trình.

Hàng loạt ‘ông lớn’ doanh nghiệp nhà nước xin lùi thời hạn cổ phần hóa - Hình 1

 VNPT kiến nghị giãn tiến độ CPH để phù hợp với tình hình triển khai thực tế

Theo đó, Mobifone xin điều chỉnh hạn chót CPH từ năm 2018 sang giai đoạn 2019-2020. Tại công văn 16/HĐTV-TC ngày 17/1/2019, Mobifone nêu do vướng mắc trong việc thanh tra AVG nên không thể hoàn thành trong năm 2018.

Trong khi đó, VNPT kiến nghị dãn tiến độ CPH để phù hợp với tình hình triển khai thực tế. Phía VNPT cho biết, đã trình phương án sử dụng đất từng phần và đang tiếp tục làm những phần còn lại. Ngoài VNPT thì còn có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng xin điều chỉnh thời hạn CPH từ năm 2019 sang 2020…

Ở lần báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nêu ra ý kiến của một số địa phương muốn kiến nghị lùi thời hạn CPH cho các doanh nghiệp "con cưng" và xin tăng tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các doanh nghiệp này.

Theo đó, Hà Nội kiến nghị điều chỉnh thời hạn CPH Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) từ năm 2018 sang 2020; đồng thời, xin giữ sở hữu Nhà nước trên 65%.

Ngoài ra, Hà Nội còn muốn xin lùi thời hạn CPH từ năm 2018 sang 2019 cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu lên trên 65% thay vì dưới 50% như quyết định hiện hành của Thủ tướng.

Hàng loạt doanh nghiệp khác, như: Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, Công ty Công viên Thống Nhất, Công ty Vườn thú Hà Nội, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội... đều được UBND TP. Hà Nội xin tăng tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu theo hướng lên trên 51%, một vài trường hợp lên trên 65%.

Tương tự, TP.HCM cũng xin lùi hạn chót CPH và tăng tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu đối với một loạt doanh nghiệp. Đơn cử như, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn xin được điều chỉnh hạn chót CPH từ năm 2018 sang 2020, giữ sở hữu trên 65% thay vì từ trên 50% đến 65%.

Ba "ông lớn" gồm Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đều được TP.HCM kiến nghị điều chỉnh hạn chót CPH từ năm 2018 sang 2020, đồng thời giữ sở hữu Nhà nước trên 65% thay vì dưới 50%.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Bến Thành xin điều chỉnh hạn chót CPH từ năm 2018 sang 2019, giữ sở hữu từ trên 50% đến 65% thay vì dưới 50%. Còn Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) xin điều chỉnh từ năm 2018 sang 2020, giữ sở hữu từ trên 50% đến 65% thay vì dưới 50%.

Hằng Vương (t/h)