Người dân sống trong “bụi” đá
Phản ánh đến tòa soạn, hàng trăm người dân ở 5 xã vùng Tây sông Đáy của huyện Thanh Liêm (xã Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy và thị trấn Kiện Khê) cho biết: vùng Tây sông Đáy Hà Nam phải sống trong cảnh đọa đày, cuộc sống bị đảo lộn khi môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề bởi khói bụi, tiếng ồn từ các mỏ đá và nhà máy xi măng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là tình trạng nổ mìn khai thác đá làm hàng trăm ngôi nhà bị nứt toác, gãy mái khiến nhà bị dột, thấm nước mỗi khi trời mưa.
PV tác nghiệp tại thôn Đồng Ao (xã Thanh Thủy) mới thấu hiểu được nỗi thống khổ của người dân nơi đây. Vừa bước chân vào đầu làng, chúng tôi không khỏi giật mình khi quan sát toàn cảnh. Đường đi lối lại ngập ngụa trong lớp bụi đá, cả làng từ cây cỏ, đến nhà cửa đều bị phủ kín bởi lớp bụi dày trắng xóa. Cuộc sống nơi đây trở lên xơ xác, khô cằn.
Dư chấn của những vụ nổ mìn khai thác đá khiến hàng trăm ngôi nhà bị nứt
Khi PV gặp chị Phạm Thị Hiền - con dâu bà Tin chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt to, kẽ hở, chạy ngang dọc theo chiều dài của ngôi nhà, bức xúc trước căn nhà mái ngói khang trang được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt của cả gia đình sau nhiều năm tháng tích cóp đã bị xuống cấp nghiêm trọng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, chị Hiền chia sẻ: "Gia đình tôi khó khăn, tích cóp mãi mới xây được căn nhà, nhưng tưởng ngôi nhà là nơi che nắng, che mưa niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi căn nhà khang trang mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong 1 thời gian ngắn thì đã bị các doanh nghiệp khai thác đá làm nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng, khiến mỗi khi trời mưa nước chảy tràn vào trong nhà. Gần nhà mẹ tôi có hàng chục doanh nghiệp khai thác đá, mỗi khi các doanh nghiệp cho nổ mìn phá đá không chỉ nhà mẹ tôi mà các nhà xung quanh rung chuyển ầm ầm như có động đất.
Ban đầu vết nứt xuất hiện nhỏ, nhưng theo thời gian vết nứt to dần, đến nay vết nứt to nhất cũng được khoảng 10 phân, đến lỗi mỗi khi trời mưa nước dột, ngấm vào ướt đẫm cả sàn nhà. Nhà nghèo không có tiền xây mới, để khắc phục tình trạng trên, mẹ tôi phải dùng ni nông để che chắn nhưng xem chừng vẫn không ăn thua, vá chỗ này lại dột chỗ khác. Ngôi nhà xây dựng khang trang bằng mồ hôi nước mắt của cả nhà nhưng giờ đây không biết nó sập khi nào anh ạ!…”.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ gia đình chị Hiền mà còn có đến hàng trăm hộ dân ở 2 thôn Đồng Ao và thôn Đồng Tho (xã Thanh Thủy) cũng gặp cảnh tương tự. Họ đau xót, lo lắng, bất an khi sống trong ngôi nhà của mình nguy cơ nhà sập đổ bất cứ lúc nào đe dọa đến tính mạng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
“Nhà mới sửa xong được một thời gian ngắn nhưng chẳng ăn thua vào đâu bởi các doanh nghiệp khai thác nổ mìn liên tục. Nhiều hôm cả nhà đang ăn cơm, nhà rung lên liên hồi, trẻ nhỏ nhỏ sợ quá còn phải chạy ra ngoài vì sợ nhà bị sập”, một người dân cho biết.
Không chỉ bị nứt rẽ nhà cửa, hàng trăm người dân ở đây còn thường xuyên bị mắc các bệnh về phổi, thậm chí là ung thư do ô nhiễm từ bụi đá. Chỉ tay vào chiếc bàn vừa lau đã trắng xóa bụi sau khoảng 5 phút mời chúng tôi uống nước, bà Lân cho biết, để tránh bụi từ các mỏ đá và nhà máy xi măng không chỉ nhà bà mà phải đến cả xã Thanh Thủy, lúc nào cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài” nhưng vẫn không ăn thua.
“Không khí bị ô nhiễm nặng nề, nhà vừa lau chùi sạch sẽ, đóng cửa kín mít nhưng chỉ cần 1 tiếng sau tất cả đồ đạc trong nhà đã phủ bụi trắng xóa, ở đây chúng tôi ăn bụi, ngủ bụi, hít bụi… bụi đá khiến các cháu nhỏ và người trong làng thường xuyên mắc các bệnh về phổi. Bản thân tôi 1 tháng cũng phải mua thuốc viêm phổi, viêm họng uống đôi lần anh ạ!...”, một người dân thôn Đồng Ao nói.
Không chịu được ô nhiễm cũng như những tác hại nặng nề mà các doanh nghiệp khai thác đá gây ra, hàng nghìn người dân 2 thôn Đồng Ao và Đồng Tho đã nhiều lần tập trung biểu tình phản đối yêu cầu các cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn cụ thể. Nhiều cán bộ từ tỉnh, huyện đến xã đã xuống đối thoại với dân nhưng đến nay vẫn chỉ là hứa hẹn.
“Cố cả đời người chúng tôi mới xây được ngôi nhà, chưa được hưởng thì đã nứt toác, không biết bao giờ sẽ sập đổ. Doanh nghiệp đến khai thác tài nguyên gây ô nhiễm, hư hỏng nhà dân nặng nề là vậy, chúng tôi có ý kiến thì hứa hẹn đền bù nhưng họ chỉ nói cho hay chứ nhiều năm nay có thấy họ hỗ trợ gì đâu, họ khai thác xong thì chạy hết rồi, cơ quan chức năng cũng thờ ơ để đấy…”, một người dân thôn Đồng Ao nói.
Hàng vạn người dân ở các xã Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân và thị trấn Kiện Khê cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhà cửa nứt rẽ, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… khiến không ít người dân bỏ quê đi “tha hương cầu thực” nơi khác. Người dân nơi đây bức xúc khi tình trạng cấp phép khai thác mỏ đá tràn lan, mỗi năm lại có nhiều doanh nghiệp khai thác đá được khai sinh, lợi nhuận bỏ túi doanh nghiệp nhưng hậu quả nặng nề từ môi trường thì người dân phải gánh chịu.
1 xã 500 hộ dân bị nứt nhà do nổ mìn
Liên quan đến vấn đề trên ông Cao đức Hồng Phó chủ tịch HĐND xã Thanh Thủy cho biết, cả xã Thanh Thủy phải gánh chịu hậu quả nặng nề về môi trường khi trên địa bàn xã có đến 30 doanh nghiệp khai thác đá. Ô nhiễm môi trường từ bụi đá khiến trẻ nhỏ, người già, người khỏe mạnh cũng thường xuyên mắc các bệnh về phổi. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hơn 500 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu ở 2 thôn Đồng Ao và Đồng Tho, không chỉ hít khói bụi, người dân ở đây còn bị nứt rẽ nhà cửa do nổ mìn.
“Nổ mìn lớn rất là nhiều, thực sự nói dân chúng tôi rất hiền Thanh Thủy là một trong những xã hiền nhất trong các xã Thanh Tân, Thanh Nghị. Chẳng biết cơ quan chức năng cấp phép nổ mìn như thế nào nhưng nổ mìn lớn quá, chúng tôi ngồi ở trụ sở cách xa hàng trăm m mà trụ sở cứ rung lên rầm rầm…”, ông Hồng nói.
Lý giải cho việc doanh nghiệp khai thác đá làm nứt nhà dân nhưng đến nay các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương vẫn không đưa ra được giải pháp khắc phục cụ thể, ông Hồng cho hay, ông cùng toàn thể bà con đã rất nhiều lần kiến nghị trong các kỳ họp hội đồng nhân dân; thậm chí khi đại biểu hội đồng nhân dân huyện, tỉnh xuống bà con kiến nghị lên, nhưng các đại biểu chỉ giải trình những khúc mắc đó tại chỗ chứ cũng không đưa ra hướng khắc phục cụ thể.
Theo ông Hồng, sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi cuối 2015, không chịu được những tác động xấu về môi trường do mỏ đá gây ra, người dân đã tụ tập đông người phản đối, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã trực tiếp xuống đối thoại với người dân, nhưng vẫn chỉ là giải pháp đối phó tình thế, đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
“Về lún nứt nhà cửa ở Thanh Thủy chiếm khoảng 70% nhà mái bằng bị gãy mái, nứt tường. Mìn đánh không phải bình thường, tiếng nổ không có đâu nhưng mà khi rung chuyển phải cảm tưởng như động đất khoảng 5 độ richte ngồi ở UBND xã cách xa như thế nhưng vẫn cảm nhận được cả trụ sở rung lên”, lãnh đạo xã Thanh Thủy cho biết.
Thiết nghĩ đã đến lúc các cấp chính quyền từ Trung Ương đến Tỉnh Hà Nam phải xem xét lại quy trình, thủ tục khai thác đá đối với các doanh nghiệp trên địa huyện Thanh Liêm và khắc phục hậu quả gây tổn thất tài sản của người dân.
Theo GĐ&PL