Những vấn đề nhức nhối

Điển hình năm 2017, vụ việc của thương hiệu Khaisilk - doanh nhân Hoàng Khải đã bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50. Điều này, gây ảnh hưởng không tốt, làm thiệt hại lớn tới sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới niềm tin NTD trong một thời gian dài bị lừa dối.

Cuối năm 2017, NTD Việt lại một phen “dậy sóng” vì lô hàng gần 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam: Cách nào ngăn chặn? - Hình 1

Sự việc của Asanzo khiến NTD cả nước lo lắng, DN chân chính bức xúc

Theo Cổng thông tin Quốc gia đăng ký DN, Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã nằm ở top 3 thị trường điện tử Việt Nam. Asanzo Việt Nam được cấp chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao, do NTD bình chọn” năm 2017, ngành hàng điện tử gia dụng. Trên bao bì, tem nhãn của Asanzo đều ghi xuất xứ Việt Nam kèm slogan “Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Chính vì vậy, nhiều năm qua, NTD Việt đều tin Asanzo là hàng Việt thật.

Asanzo tập trung vào các thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong gia đình như tivi, điện thoại, tủ đông lạnh, máy điều hòa, quạt làm mát không khí...

Quả thực, đối với một DN, kinh doanh đa dạng các mặt hàng mà theo như công bố có “xuất xứ Việt Nam” như Asanzo là một điều khá hiếm.

Nhưng mới đây, khi sự việc được phanh phui dần, ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzomới lên tiếng thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan…

Thậm chí, ông Tam cũng thừa nhận sản phẩm Asanzo chỉ là hàng lắp ráp. Điều này, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tình trạng nhập nhèm xuất xứ hàng hóa đã gây tâm lý không tốt cho khách hàng. Có lẽ, điều NTD mong mỏi hiện nay nhất chính là các DN hãy giữ chữ tín, trung thực để quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.

Bảo vệ quyền lợi NTD

Trước sự việc trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đưa ra nhận định: “Hiện tượng Asanzo không phải là duy nhất việc không ít DN mua linh kiện Trung Quốc về lắp ráp rồi ghi “made in Vietnam”, mang mã số 983 là có. Thời gian này, NTD đang đặt ra nghi vấn về hàng Sunhouse cũng có hiện tượng trên.

Vi phạm của Asanzo là quá rõ, vấn đề về thuế, có rất nhiều container linh kiện từ Trung Quốc chuyển về. Hàng Trung Quốc, nhưng lại ghi là Asanzo Việt Nam - là sự nhập nhằng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định liên quan về nguồn gốc hàng hóa, yêu cầu phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ở đây là sự đánh lừa NTD”.

“Asanzo, thị trường tại Việt Nam rất lớn, chiếm đến 17% từ đồ gia dụng, điện máy, tivi, tủ lạnh, điều hòa… Điều quan trong là nó đang núp bóng những danh hiệu như “Hàng Việt Nam chất lượng cao” - do NTD bình chọn, nhưng thực chất không phải hàng Việt Nam. Việc núp bóng và nhiều NTD tin tưởng, trong khi Chính phủ tích cực tuyên truyền vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - điều này lại càng khiến NTD tiếp tục mất niềm tin, không biết đâu là hàng Việt thật sự? Asanzo phải xin lỗi NTD.

Trách nhiệm, không chỉ riêng Asanzo, mà còn gồm cả các nhà phân phối bán lẻ khi bán sản phẩm đến NTD. Theo quy chế của Bộ Công thương: “Nhà bán lẻ phải quay trở lại đơn vị cung ứng để kiểm tra định kỳ hàng hóa”, nếu kiểm tra thì không có chuyện của Asanzo ngày hôm nay, không thể quá tin tưởng vào nhà cung cấp sản phẩm. Đến khi có chuyện xảy ra, chịu thiệt lại là NTD”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Ông Phú đưa ra khuyến cáo, mỗi NTD khi mua sản phẩm phải đến những cơ sở có uy tín, có phiếu bán hàng, bảo hành rõ ràng để tránh mọi trường hợp không may xảy ra với sản phẩm của mình - đó là bảo vệ quyền lợi của chính NTD.

Trang Nguyễn