Nhìn lại thị trường trong nước thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, dù dịch Covid-19, nhất là làn sóng dịch thứ tư ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt kinh tế - xã hội nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước vẫn được thông suốt. Đặc biệt, ngay cả khi nhiều tỉnh, thành phố cùng thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng thì nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn, giá cả được kiểm soát.
Để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp bán lẻ. Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op (quản lý và vận hành hệ thống siêu thị Co.opMart toàn quốc) Nguyễn Anh Đức, trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều chợ truyền thống phải đóng cửa, toàn hệ thống Co.opMart đã nỗ lực duy trì ổn định chuỗi cung ứng hàng Việt Nam. Co.opMart cũng không tăng giá hàng hóa, bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân trong suốt thời gian qua.
Từ góc độ người tiêu dùng, bà N.T.H, (quận Đống Đa) nhận xét: "Hệ thống phân phối, bán lẻ đã bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hơn thế, qua hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng nhận được nhiều ưu đãi, trải nghiệm mới".
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, hiện hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị chiếm trên 90%. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa và đưa ra những sản phẩm chất lượng nhằm hướng tới mục tiêu người tiêu dùng tin yêu và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.
Bản thân các doanh nghiệp hiện nay đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, có những doanh nghiệp lâu nay vốn hướng đến thị trường xuất khẩu nay đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước bằng những hàng hóa đạt chuẩn của những quốc gia khó tính. Đồng thời, phát triển được mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước hoặc kết nối thành công với những doanh nghiệp phân phối khác.
Từ đó, giúp hàng hóa Việt Nam ngày càng có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn. Ví dụ như các ngành hàng có thế mạnh: Dệt may, da giày đã cố gắng đẩy được tỷ lệ nội địa hóa lên trên 50% và đang phấn đấu đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ để đạt được đến tỷ lệ 60 - 70% trong những năm tới đây.
Ở góc nhìn khác, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho rằng, để chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thể hiện được vị thế của mình trong thời gian tới, cần có sự liên kết chặt chẽ theo vùng, có sự phân công chuyên môn hóa giữa các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, tránh sự chồng chéo, cục bộ. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo thị trường sát thực và cụ thể hơn, nhằm định hướng, tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ.
Với bối cảnh hiện nay, để thích ứng an toàn với dịch bệnh cũng như duy trì chuỗi cung ứng bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người Việt dùn hàng Việt. Mặt khác, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thường xuyên thông tin diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa và phát triển thị trường nội địa, ứng dụng thương mại điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trang Nguyễn