Muôn vàn khó khăn
Trong lĩnh vực xuất khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động thiếu hụt khiến cho hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế không thông suốt và kém hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp không thể thực hiện được trong giai đoạn dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến việc tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp.
Trong khi đó, các chi phí đầu vào, nguồn cung nguyên liệu… cho hoạt động xuất khẩu tăng cao, phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhất là chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển hiện tăng gấp 6-7 lần so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát và chưa hạ nhiệt, khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển…
Không chỉ có lĩnh vực xuất khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, mà hệ thống bán lẻ của đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn. Nhân viên chuỗi siêu thị BRGMart, minimart Haprofood/BRGMart phải đối diện với nhiều nguy cơ, rủi ro hơn. Mặc dù nhân viên được trang bị quần áo bảo hộ, được tiêm hai liều vaccine theo quy định phòng, chống dịch; nhưng một số điểm bán bị yêu cầu đóng cửa tạm thời khi liên quan những ca F0, F1, ảnh hưởng đến doanh số, chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị.
Thông tin từ đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Đối với hoạt động bán lẻ, trong thời gian xảy ra dịch bệnh,lượng khách mua hàng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm như: Gạo; thực phẩm chế biến; thịt gia súc, gia cầm; rau củ quả... doanh thu của nhóm các mặt hàng này tăng trung bình khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhóm các mặt hàng phi thực phẩm khác như đồ gia dụng... doanh thu giảm trung bình từ 10-15% và nhóm ngành hàng phục vụ đối tượng là khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Quốc tế bị ảnh hưởng trầm trọng do phải đóng cửa theo Chỉ thị 16/CP-TTg.
Biến “nguy” thành “cơ”
Cũng theo đại diện Hapro nhận định tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn trong năm 2021 và có thể sẽ diễn biến tích cực từ quý 2 năm 2022 trở đi. Theo đó, sẽ tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, để vượt lên thách thức và đón đầu các cơ hội phục hồi hậu Covid, Ban Lãnh đạo Hapro nhận định là trong “nguy” luôn có “cơ”. Hapro sẽ nỗ lực tốt nhất để ứng phó nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn.
Vì vậy, Hapro sẽ tái cơ cấu và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu theo hướng tinh giản, an toàn và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo sự bứt phá mạnh mẽ như: nâng cao kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nâng hiệu quả lợi nhuận xuất khẩu và đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn vốn.
Thêm vào đó, Hapro cần phải tiếp tục khai thác tốt các lợi ích đem lại từ những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cùng việc kết hợp với các phương thức giao thương trực tuyến nhằm tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường trong giai đoạn dịch bệnh Covid chưa được kiểm soát, hạn chế việc đi lại giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động XK.
Ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm đc khôi phục lại sau đại dịch; nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu như chính sách của các nước nhập khẩu để phù hợp với tình hình thực tế, các rào cản kỹ thuật, rủi ro thanh toán,….
Đối với hoạt động Thương mại nội địa, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc, Công ty thành viên cần nỗ lực hơn nữa để ứng phó với dịch bệnh nhằm thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn.
Tập trung thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thương mại nội địa, nâng cao hiệu quả kinh doanh, rà soát xây dựng mô hình kinh doanh phát triển theo chuỗi BRGMart và Haprofood/BRGMart trên cơ sở hệ thống địa điểm kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh chính Hapro đang thực hiện.
Rà soát, đánh giá tổng thể các địa điểm mạng lưới, dự án Hapro đang triển khai để xây dựng các phương án sử dụng, quản lý sao cho có hiệu quả thiết thực nhất. Sắp xếp lại các địa điểm kinh doanh đang hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng mạng lưới.
Kích cầu các chương trình tiêu dùng nội bộ trong Tập đoàn BRG; chương trình Hàng Việt của Bộ Công Thương, Sở Công Thương,…
Thói quen mua sắm của khách hàng cũng thay đổi, thay vì đi siêu thị trực tiếp, nhu cầu về việc mua hàng online tăng cao. Hệ thống BRGMart và Haprofood/BRGMart đã nỗ lực đẩy mạnh phương pháp bán hàng online qua app BRG Shopping, qua hotline và qua nhóm Zalo đi chợ hộ,...
(Bài viết theo Nghị định 84 của Chính Phủ)
Duy Thế