Tìm hiểu thực tế phóng viên ghi nhận, hiện tại, chuỗi cửa hàng bán đồ sơ sinh, mẹ và bé Minizon Kids đang bày bán rất nhiều hàng hoá, sản phẩm thuộc các danh mục các loại  máy móc phục vụ mẹ bầu và em bé, đồ sơ sinh, sữa và thực phẩm, đồ dùng ăn uống, xe – đai – địu, giường – nôi – cũi – tủ, giặt xả và tắm gội, bĩm tã và đồ vệ sinh cá nhân, vitamin và mỹ phẩm cho bé, thời trang, đồ phụ kiện cho bé, đồ sơ sinh…đúng quy định về tem nhãn, nguồn gốc.

Bên cạnh nhiều sản phẩm bày bán tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về hàng hóa thì tại các cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị đồ sơ sinh Minizon Kids, phóng viên ghi nhận bày bán cả sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt.

Trong ngày 21/02/2023, phóng viên đã trực tiếp ghi nhận tại cửa hàng Minizon Kids số 21 đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, ghi nhận có những sản phẩm 100% chữ nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, từ bình sữa, sữa, sữa non, bỉm, bình nước dầu tắm, đồ ăn dặm đến các loại thực phẩm chức năng, vitamin cho bé...

Cũng trong ngày 21/02/2023, phóng viên ghi nhận tại cửa hàng Minizon Kids số 3 Mạc Thái Tổ, cũng ghi nhận tình trạng tương tự, hàng hoá nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định được bày bán công khai, người tiêu dùng không tiếp cận thông tin về sản phẩm.

Ghi nhận trong ngày 21/02/2023, tại cửa hàng Minizon Kids số 377 Quang Trung, Hà Đông, tình trạng bày bán hàng hoá nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt cũng diễn ra.

Khi tìm hiểu một số sản phẩm tại Minizon Kids, phóng viên được nhân viên tư vấn tại đây cho biết: “Bên em có cả hàng nội địa và hàng nhập khẩu”. Trong quá trình tư vấn cho phóng viên, nhân viên có nói: “Hàng nhập khẩu của công ty của Việt Nam thì sẽ có tem nhãn, còn hàng xách tay mang về thì không có tem phụ”.

Khi nói về bỉm Merries với các mức giá chênh nhau khi trước đó phóng viên mua nơi khác với giá hơn 300.000 một bịch, nhân viên tại đây nói: “Bên em bán có hai trăm mấy thôi, không đến ba trăm một bịch. Nó sẽ có hai loại, một loại nhập khẩu một loại nội địa, nội địa là hàng xách tay từ bên kia về thì nó sẽ rẻ hơn, còn nhập khẩu phải qua cửa khẩu các thứ, nó đẩy giá lên cao, mẫu mã của nó cũng sẽ khác”.

Như vậy, qua lời tư vấn của nhân viên Minizon Kids, có thể hiểu hàng hoá tại đây đang bày bán những sản phẩm “xách tay” nên không có tem nhãn phụ Tiếng Việt?

Bên cạnh đó, ngoài việc vi phạm về nhãn hàng hoá, phóng viên còn nhận thấy cửa hàng không xuất hoá đơn VAT cho khách hàng khi thanh toán hoá đơn trên 200.000 đồng. Khi thanh toán qua hình thức chuyển khoản, phóng viên được hướng dẫn quét mã QR tới tài khoản cá nhân có tên “CAO THI HOA”, mặc dù theo quảng cáo trên website thì nói đơn vị chủ quản của Minizon Kids là Công ty TNHH DV TM Hoa Tuấn Kiệt. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn về hàng lậu, trốn thuế đang bày bán tại đơn vị này khi khách hàng thanh toán tới tài khoản cá nhân?

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì từ ngày 15/10/2020, cá nhân kinh doanh hàng xách tay, hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá. Mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Theo Luật sư Nguyễn Tấn Khoa - Trưởng phòng Xử lý vi phạm của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh: “Dưới góc độ pháp lý, không có khái niệm "hàng xách tay". Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những hàng hóa được sản xuất, phân phối ở nước ngoài và được những người đi du lịch, công tác vận chuyển trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam dưới hình thức xách tay. Thông thường, các loại hàng xách tay này không được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra nên chất lượng hàng hoá không được giám sát nên không thông qua thủ tục hải quan, không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…Hay nói cách khác, kinh doanh hàng xách tay chính là kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu”.

Như vậy, có thể hiểu hàng hóa xách tay là hàng hóa chưa được cơ quan quản lý kiểm tra các thủ tục theo quy định để được bày bán hợp pháp tại thị trường Việt Nam, điều này khiến người tiêu dùng lo ngại về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…

Thực tế, một số sản phẩm đang bày bán tại Minizon Kids chỉ có chữ nước ngoài, không thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo như quy định. Việc này khiến người tiêu dùng không có thông tin khi tìm hiểu về sản phẩm, vừa vi phạm quy định của pháp luật, vừa khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của những sản phẩm này? Liệu có đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo kinh doanh minh bạch hay không?

Để thông tin được khách quan, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ với chuỗi cửa hàng đồ sơ sinh Minizon Kids, phía đơn vị đã tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên sau nhiều ngày trôi qua, Minizon Kids vẫn “im lặng” dù phóng viên đã liên hệ lại nhiều lần.

Thông qua bài viết phản ảnh một số hàng hóa bày bán cho người tiêu dùng chưa đúng quy định để cửa hàng chấn chỉnh và các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thị trường minh bạch.

Phóng viên Thương hiệu và Công luận đã gửi thông tin tới Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội để xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của hệ thống Monizon Kids nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.

Trúc Mai