Nhiều mặt hàng nước ngoài không tem nhãn Tiếng Việt, PT MART để khách “tự đoán” hạn sử dụng
Cụ thể, ngày 12/12/2022, phóng viên Thương hiệu và Công luận đến ghi nhận thực tế tại 4 chi nhánh bao gồm: Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân; Sông Đà 7, 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân; Sảnh G2, tòa nhà Five Star, Số 2 Kim Giang; Căn TM01-29 Vinhomes West Point, Đỗ Đức Dục.
Bên cạnh những sản phẩm đươc dán đầy đủ tem nhãn theo quy định, không ít các mặt hàng được bán tại đây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt khiến khách hàng gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin.
Ghi nhận tại chi nhánh PT MART Five Star, số 2 Kim Giang, Q. Thanh Xuân, một số sản phẩm bánh kẹo, mì ăn liền cho đến các mặt hàng thiết yếu như: nước rửa bát, sữa tắm, đồ gia dụng… có mác “made in” Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đều không có tem nhãn phụ đúng theo quy định.
Trong vai một người mua hàng, phóng viên thắc mắc về thông tin của sản phẩm sữa tắm Happy Bath có xuất xứ Hàn Quốc tới người bán. Nhân viên này liền mở nắp cho khách hàng ngửi thử mùi sản phẩm và trấn an rằng: “Yên tâm, cái này là hàng nhập chính hãng chị ạ.”
Chung tình trạng với siêu thị PT MART Kim Giang, nhiều mặt hàng nhập khẩu tại chi nhánh TM01-29 Vinhomes West Point, Đỗ Đức Dục và chi nhánh Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng cũng “trắng” thông tin về nguồn gốc, xuất xứ cũng như thành phần, cách sử dụng, bảo quản,… sản phẩm theo quy định pháp luật khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về nguồn gốc hàng hóa đang được bày bán tại siêu thị.
“Mục sở thị” tại chi nhánh khác của PT MART ở địa chỉ tòa nhà Sông Đà 7, 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng một số mặt hàng được bày bán trên kệ có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng lại không có tem nhãn phụ. Tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bánh kẹo, đồ dùng cá nhân, đồ dùng nhà bếp,…
Đặc biệt ở đây có sản phẩm kẹo thạch dài HalfTea, với bao bì toàn chữ Trung Quốc khiến người tiêu dùng chỉ nhìn thấy ngày sản xuất (ngày 16.10.2022) mà không biết hạn sử dụng được in ở đâu. Khi phóng viên hỏi về vấn đề hạn sử dụng của sản phẩm, một nhân viên tại đây tỏ ra lúng túng và phải quay sang hỏi nhân viên khác. Người nhân viên đó ấp úng hồi lâu rồi chỉ cho phóng viên một dòng chữ Trung Quốc được in bên cạnh ngày sản xuất: “Em nghĩ hạn sử dụng là 10 tháng chị ạ. Bởi vì ở phần chữ này có số 10.”
Điều này là không đúng với Khoản 1, Điều 44, Nghị định 111/2021/NĐ-CP, quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Bên cạnh đó, theo Khoản 3, Điều 7 của Nghị định này quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, doanh nghiệp đó có thể nhận mức xử phạt cao nhất từ 25-30 triệu đồng.
Thực phẩm không nhãn mác, cận date vẫn bày bán cho khách hàng
Để thông tin được khách quan, sau khi ghi nhận và phản ánh thông tin, ngày 15/12/2022, phóng viên đã liên hệ tới Công ty Cổ phần PT, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị PT MART để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, phóng viên không thể liên lạc được tới số điện thoại hiển thị trên trang facebook Chuỗi siêu thị PT MART là 097.856.33.58.
Ngày 15/02/2023, tức sau 2 tháng kể từ khi lên bài phản ánh, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã “mục sở thị” tại 2 chi nhánh của PT MART gồm: Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân và tòa nhà Sông Đà 7, 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân. Tại đây, phóng viên vẫn phát hiện không ít mặt hàng bánh kẹo, đồ uống, phụ kiện, đồ gia dụng… không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt đúng theo quy định.
Đáng chú ý, phóng viên còn ghi nhận một số mặt hàng thực phẩm cận date, thậm chí hoàn toàn “trắng” thông tin tại chi nhánh PT MART Imperia Garden. Cụ thể, sản phẩm Bánh mì hoa cúc Grand De Gateaux rơi vào tình cảnh cận date, cụ thể trên bao bì có in NSX: 08/02/2023, HSD: 16/02/2023, nhưng tối ngày 15/02/2023 phóng viên ghi nhận sản phẩm vẫn được bày bán trên kệ.
Ở quầy thực phẩm tươi, phóng viên nhận thấy bên trong tủ có 1 khay ngô hạt được đóng gói sơ sài, hoàn toàn “trắng” thông tin. Khi được hỏi về hạn sử dụng của sản phẩm, nhân viên trả lời rằng: “Cái này vừa mới được tách từ bắp ngô tươi chị ạ.”
Theo Viện y học ứng dụng Việt Nam, những loại thực phẩm bảo quản trong tình trạng không tốt có thể sinh ra nấm mốc hoặc nhiễm các loại vi khuẩn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong khi đó, tại Điều 17, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức quy định nếu hàng hóa kinh doanh là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm hoặc trang thiết bị y tế,... đồng thời buộc tiêu hủy sản phẩm sai phạm.
Ngay sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ với Cục Quản lí thị trường Hà Nội nhằm phối hợp xác minh nhằm đảm bảo minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau đó, cơ quan quản lí cho biết đã tiếp nhận thông tin, cử Đội quản lí thị trường số 12 khẩn trương kiểm tra, làm rõ và sẽ sớm có kết quả.
Thảo Nguyễn