Trên trang facebook có tên Chuỗi Siêu Thị PT MART, mục Giới Thiệu gần như “trống” thông tin. Đường link dẫn đến website của siêu thị cũng không thể truy cập được.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tài khoản chính thức của PT MART tại trang tin tuyển dụng uy tín Career Builder, với đường link: https://careerbuilder.vn/vi/nha-tuyen-dung/cong-ty-co-phan-pt.35A84A1A.html vẫn hoạt động bình thường. Bài đăng tuyển dụng gần nhất của tài khoản này là bài tìm kiếm Chuyên viên Tuyển dụng và Đào tạo, được cập nhật vào ngày 14/12/2022. Ở phần Tổng quan công ty, “profile” của siêu thị được đăng rất rõ ràng và đầy đủ nhằm thu hút các “cộng sự tương lai” của PT MART đến đồng hành và cùng phát triển trên chặng đường sắp tới.
Theo như thông tin mà doanh nghiệp tự giới thiệu, Chuỗi siêu thị PT MART được thành lập bởi Công ty Cổ phần PT MART, địa chỉ trụ sở tại 358 Giải Phóng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ra đời từ năm 2015 cho đến nay, PT MART đã mở 16 siêu thị trên khắp các chung cư nội thành Hà Nội, mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn đa dạng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trải nghiệm mua sắm từ bình dân đến cao cấp của mọi khách hàng.
Trong năm nay, PT MART hướng đến mở rộng quy mô lên 32 siêu thị; thành lập hệ thống kho và Logistic; triển khai bộ nhận diện thương hiệu mới; chuẩn hóa quy trình vận hành để tự động hóa công tác đặt hàng và tối ưu khâu nhập hàng tập trung. Bên cạnh đó, công ty dự kiến trong tương lai sẽ mở rộng mạng luới siêu thị phủ khắp Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.
Nhưng để làm được điều này, PT MART cần phải xem lại quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa và dán tem nhãn phụ Tiếng Việt trên mỗi sản phẩm nhập khẩu được bán ra. Sau khi nhận được phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng thiếu tem nhãn phụ tại siêu thị PT MART, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã “mục sở thị” 4 trong số 16 chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, gồm: Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân; Sông Đà 7, 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân; Sảnh G2, tòa nhà Five Star, Số 2 Kim Giang; Căn TM01-29 Vinhomes West Point, Đỗ Đức Dục.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại cả 4 cơ sở, một số sản phẩm nhập khẩu được dán tem nhãn phụ Tiếng Việt với nội dung được ghi đúng theo quy định của pháp luật như: Nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo... Cụ thể, dưới đây là sản phẩm khăn ướt đa năng KLEANNARA đến từ Hàn Quốc, có tem nhãn phụ Tiếng Việt được ghi đầy đủ thông tin về: Thành phần; Lưu ý bảo quản; Quy cách đóng gói; NSX; HSD; Nhà sản xuất; Xuất xứ; Thông tin nhà phân phối.
Tuy nhiên, không ít các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài được bày bán tại siêu thị PT MART được phóng viên phát hiện không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, thiếu nguồn gốc, xuất xứ...
Nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ, nhân viên trấn an đây là hàng chính hãng
Cụ thể ngày 12/12, phóng viên Thương hiệu và Công luận đến ghi nhận thực tế tại cơ sở Five Star, số 2 đường Kim Giang. Tại đây, phóng viên nhận thấy không ít các mặt hàng tiêu dùng rơi vào tình trạng thiếu tem nhãn phụ. Một số sản phẩm bánh kẹo, mì ăn liền cho đến các mặt hàng thiết yếu như: sữa tắm, đồ gia dụng… có mác “made in” Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đều không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi muốn tìm hiểu thông tin về sản phẩm.
Trong vai một người mua hàng, phóng viên thắc mắc về thông tin của sản phẩm sữa tắm Happy Bath có xuất xứ Hàn Quốc tới người bán. Nhân viên này liền mở nắp cho khách hàng ngửi thử mùi sản phẩm và trấn an rằng: “Yên tâm, cái này là hàng nhập chính hãng chị ạ.”
Ngày 13/12, phóng viên “mục sở thị” tình hình tại 2 cơ sở TM01-29 Vinhomes West Point, Đỗ Đức Dục; cơ sở Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng và ghi nhận tình trạng tương tự.
Tại siêu thị PT MART Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng, nhiều sản phẩm 100% chữ nước ngoài nhưng lại không dán nhãn phụ Tiếng Việt. Trong đó không ít các mặt hàng bánh kẹo, mì ăn liền, đồ uống có xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc. Thậm chí một số sản phẩm đồ chơi, đồ dùng cá nhân tại đây “trắng” thông tin về nguồn gốc, xuất xứ cũng như thành phần, cách sử dụng, bảo quản,… sản phẩm theo quy định pháp luật khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về nguồn gốc hàng hóa đang được bày bán tại siêu thị.
Chung tình trạng với 2 cơ sở còn lại, một số mặt hàng nhập khẩu tại chi nhánh TM01-29 Vinhomes West Point, Đỗ Đức Dục hoàn toàn không dán tem nhãn Tiếng Việt đúng quy định nhằm cung cấp thông tin cụ thể về sản phẩm tới người tiêu dùng.
Để khách hàng tự đoán… hạn sử dụng
Tiép tục “mục sở thị” tại chi nhánh khác của PT MART ở địa chỉ tòa nhà Sông Đà 7, 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng một số mặt hàng được bày bán trên kệ có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng lại không có tem nhãn phụ Tiếng Việt. Tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bánh kẹo, đồ dùng cá nhân, đồ dùng nhà bếp,…
Đặc biệt ở đây có sản phẩm kẹo thạch bi HalfTea, với bao bì toàn chữ Trung Quốc, người tiêu dùng chỉ nhìn thấy ngày sản xuất (ngày 16.10.2022) mà không biết hạn sử dụng được in ở đâu. Khi phóng viên hỏi về vấn đề hạn sử dụng của sản phẩm, một nhân viên tại đây tỏ ra lúng túng và phải quay sang hỏi nhân viên khác. Người nhân viên kia ấp úng hồi lâu rồi chỉ cho phóng viên một dòng chữ Trung Quốc được in bên cạnh ngày sản xuất: “Em nghĩ hạn sử dụng là 10 tháng chị ạ. Bởi vì ở phần chữ này có số 10.”
Vậy câu hỏi đặt ra, liệu quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng có ảnh hưởng gì không nếu không may hạn sử dụng của kẹo thạch HalfTea không phải là 10 tháng như lời nhân viên siêu thị nói?
Quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa
Theo Khoản 1, Điều 44, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương mại không được kinh doanh hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt; hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...).
Bên cạnh đó, theo Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, doanh nghiệp đó có thể nhận mức xử phạt cao nhất từ 25-30 triệu đồng.
Dù đã được pháp luật quy định rõ ràng về nội dung in trên hàng hóa nước ngoài nhưng tại sao nhiều chi nhánh của chuỗi siêu thị của PT MART vẫn bày bán nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ?
Thực trạng này liệu có ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường hàng hóa và quyền lợi của người tiêu dùng? Rất cần sự vào cuộc xác minh, làm rõ của cơ quan quản lý.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Thảo Nguyễn