Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

“Hiến kế” tháo gỡ khó khăn, tạo “bệ phóng” giúp doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay; thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

Hậu Covid-19: “Cơ hội vàng” cho doanh nghiệp

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 diễn ra sáng nay (ngày 9/5), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí DũngBộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Trong đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn, nên doanh thu quý I của các DN giảm mạnh xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh, nhưng các DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng...

“Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, trong đó khu vực DN nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với gần 50% số DN. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất với trên 51% số DN”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.

Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, cộng đồng DN Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Nhiều sáng kiến đã được triển khai như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng DN để vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất. Nhiều chính sách quan trọng đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh với các chính sách về giảm thuế, phí, giảm giá hàng hóa, hỗ trợ tín dụng và phát triển thị trường…

Từ những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, tới đây là thời điểm để các DN Việt Nam có cơ hội tập trung đổi mới trang thiết bị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt để định hướng cho DN dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu.

Cụ thể, khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày... Phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu. Đồng thời, liên kết giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với các DN sản xuất sản phẩm tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như xúc tiến lưu thông hàng hóa, kết nối và đa dạng hóa thị trường đầu ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể để giúp DN giảm giá thành sản phẩm…

“Thời điểm này cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới. Xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu ngành hàng/sản phẩm. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị.

Bên cạnh các kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cộng đồng DN tiếp tục phát huy tính chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN, nâng cao năng lực khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội.

Đối các DN nhỏ và vừa cần nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường để phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần củng cố nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị...

Khẩn trương thực thi nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Khảo sát của VCCI về thực trạng của cộng đồng DN cho thấy, tính đến đầu tháng 5, có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến LộcChủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

“Qua dịch Covid-19 một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam được khẳng định.  Khi tôi hỏi nhiều doanh nhân lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch xem họ cần gì, họ đã thẳng thắn và chân tình chia sẻ: Biết nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế", ông Lộc nói.

Mặc dù tình hình DN đã được cải thiện, nhưng ông Lộc vẫn gửi đến Hội nghị mong muốn của cộng đồng DN đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay. Đặc biệt, các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ ko có tác dụng”, ông Lộc đề nghị.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các DN sau dịch Covid-19, đón làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu, Chủ tịch VCCI tiếp tục nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN và đẩy nhanh tiến độ giải ngân khoản đầu tư công.

“Chúng ta biết, chỉ riêng khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số “tiền tươi, thóc thật” đang nằm ở “trong túi” của các Bộ, ngành và địa phương đã là trên 30 tỷ USD. Nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm nay sẽ có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế. Phát huy vai trò của thể chế, bảo đảm huy động được tổng lực các nguồn vốn xã hội theo cách này, Việt Nam thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay”, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ.

Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, ông Lộc đề nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng DN triển khai sớm một chiến dịch vận động, xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN, giúp các DN đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. 

“Khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam vào thời điểm này, vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Tôi đề nghị, phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho DN Việt”, ông Lộc đề xuất.

6 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân đã kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNVV do chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Kiến nghị này được tập hợp từ ý kiến của 59 Chi hội thuộc Hiệp hội.

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh Covid-19, cụ thể là Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng (hiện nay đã giải ngân trên 20.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỷ (tính đến ngày 20/4 đã tiếp nhận hơn 24.200 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất), gói hỗ trợ giá điện 12.000 tỷ và gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn ThânChủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân

Đặc biệt đối với riêng ngành Ngân hàng, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ v.v nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch VINASME, số lượng DN cần vay vốn để chi trả tiền lương cho công nhân và phục hồi sản xuất, kinh doanh vẫn còn rất nhiều. Do đó, trên cơ sở tập hợp các ý kiến của 59 Chi hội tỉnh thành trực thuộc Hiệp hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đã đề xuất với Thủ tướng 6 giải pháp:

Một là, hiện nay có 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng rải rác trên toàn quốc với tổng nguồn vốn là 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng DN, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ trên, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay.

Hai là, việc giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất khó, liên quan đến nhiều luật và các Bộ ngành. Nhưng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến nay đã đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Để giải ngân nhanh số vốn đầu tư công 700.000 tỷ, chúng tôi đề nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các DN trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời cân nhắc giảm yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng từ 30;40% xuống còn 15;20%.

Ba là, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc.

Bốn là, Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho DNNVV, cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.

Ông Thân cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm khắc xử lý tất cả các hành vi vi phạm nhằm lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để trục lợi trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình lên để chống trọi với đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả sau dịch.

Năm là, đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và DN. Theo đó, Chính phủ nên thông qua hình thức phát hành trái phiếu nhiều hơn nữa liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý như vàng bạc, đá quý; Sớm ban hành cơ chế thí điểm có giám sát (sandbox) cho các hoạt động fintech, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (p2p lending).

Sáu là, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, các tổng công ty, tập đoàn lớn của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và Hàn Quốc đang có xu hướng dịch chuyển “nóng” qua các quốc gia khác (thậm chí có sự hỗ trợ của Chính phủ nước họ). Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển mạnh, nền chính trị vững vàng, trật tự an toàn xã hội ổn định và có tỷ lệ dân số “vàng” đầy hấp dẫn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm tiếp các lãi suất điều hành cùng với việc quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay một cách bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh HưngThống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vì mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đến ngày 8/5/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho trên 215.000 khách hàng; dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, đã miễn, giảm, hạ lãi vay cho khoảng 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

Hệ thống ngân hàng cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp với số cho vay lũy kế từ 23/1 (thời điểm Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19) đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5%.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét có thể kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm: chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng vay vốn bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng. Các chương trình tín dụng được thực hiện từ chính nguồn lực tiết kiệm của người dân và các doanh nghiệp, do vậy, yêu cầu đặt ra cho các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế.  

"Ngay sau hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập đoàn công tác làm việc các địa phương, đặc biệt là các khu vực kinh tế trọng điểm để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Toàn hệ thống ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định.

 Hoan Nguyễn

Bài liên quan

Tin mới

Bắc Giang tìm giải pháp gỡ khó đầu tư hạ tầng khu công nghiệp
Bắc Giang tìm giải pháp gỡ khó đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

Ngày 24/4, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì buổi làm việc về tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có thành viên Tổ công tác triển khai thực hiện các KCN thành lập giai đoạn 2022-2025.

Bình Liêu - Quảng Ninh: Đặc sắc Hội Soóng cọ năm 2024
Bình Liêu - Quảng Ninh: Đặc sắc Hội Soóng cọ năm 2024

Ngày 24/4, tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu Hội Soóng, tỉnh Quảng Ninh cọ đã diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn.

Vụ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả: Khởi tố, bắt giam thêm một đối tượng
Vụ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả: Khởi tố, bắt giam thêm một đối tượng

Liên quan đến vụ án sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam thêm một đối tượng về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

Chiều ngày 24/4, tại thành phố Móng Cái, Cục Hải quan tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) biên giới và phát triển đại lý hải quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024.

Công an TP. Thanh Hóa bắt 2 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Công an TP. Thanh Hóa bắt 2 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy

Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa điều tra, làm rõ và bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Quảng Ninh: Tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự
Quảng Ninh: Tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (ANTT), tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, cơ sở, Công an tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành gồm nhiều đơn vị nghiệp vụ tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.