Trước đó, tòa soạn Thương hiệu & Công luận đăng tải bài viết Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá sai sự thật, “thổi phồng” công dụng các sản phẩm của công ty TNHH Jido Pharma?” liên quan đến việc một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Nano mầm đậu nành Flagold và Viên uống tăng cường sinh lực nam Spermen... do Công ty TNHH Jido Pharma (Địa chỉ Tầng 15, Toà nhà VTC Online - 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phân phối độc quyền đang có dấu hiệu quảng cáo sai phép và gây hiểu nhầm cho người sử dụng như thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, một số diễn viên, nghệ sĩ đăng tải các video quảng cáo sản phẩm không đúng với quy định và giấy phép xác nhận quảng cáo của Cục An toàn thực phẩm.

Sản phẩm Nano mầm đậu nành Flagold
Sản phẩm Nano mầm đậu nành Flagold.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Nano mầm đậu nành Flagold được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 9893/2018/ĐKSP ngày 23/12/2028. Nội dung của Giấy xác nhận này cho biết, Nano mầm đậu nành Flagold  là "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe" và nội dung quảng cáo sản phẩm này là: “Hỗ trợ giúp bổ sung isoflavon” và “Hỗ trợ cải thiện các rối loạn do suy giảm nội tiết tố ở phụ nữ”. TPBVSK này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Thế nhưng, trên trang web chính thức của công ty  https://flagold.vn/ lại giới thiệu về TPBVSK Nano mầm đậu nành FlaGold như “thần dược” với nhiều công dụng khác nhau: tăng kích thước vòng 1, cân bằng nội tiết tố nữ; giảm tàn nhang, sáng da; giảm trí nhớ, giảm "khô hạn"; đau rát khi quan hệ, làm chậm quá trình mãn kinh; hỗ trợ phòng ngừa ung thư, u xơ tử cung, tim mạch và những bệnh lý liên quan đến nội tiết tố; hỗ trợ điều trị các căn bệnh phụ khoa như: rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, thống kinh, viêm nhiễm phụ khoa, khả năng thụ thai kém,...

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như MC Cát Tường, diễn viên Phương Dung, diễn viên Phi Phụng, diễn viên Lê Khánh quảng cáo sản phẩm với những công dụng thần kỳ như: “giúp vòng 1 săn chắc hơn, vòng 2 thon gọn hơn; cảm thấy yêu đời hơn, giúp làn da được hồi sinh,...”

Đặc biệt đáng lo ngại hơn khi diễn viên Phương Dung và diễn viên Phi Phụng còn dùng từ “THUỐC” khi nhắc tới sản phẩm Nano mầm đậu nành Flagold trên các video quảng cáo của công ty này.

Công ty TNHH Jido Pharma cũng sử dụng hình ảnh Giáo sư tiến sĩ Vương Tiến Hòa,  nguyên ủy viên BCH TW Hội phụ sản Việt Nam - cố vấn cao cấp Bộ Y tế trong trang phục áo Blouse trắng ngành y để quảng cáo về sản phẩm Flagold trên chính website của mình. 

Cũng trên trang web này, công ty Jido Pharma đăng tải một video với tiêu đề “Dược sỹ Kim Oanh đánh giá về sản phẩm FlaGold- nano mầm đậu nành” với nội dung: “Sản phẩm Flagold mầm đậu nành sẽ giúp cho làn da tươi trẻ, không bị khô hạn, và sẽ làm cho khỏe đẹp”. Dược sĩ này chia sẻ bản thân mình đã theo nghề dược trên 10 năm. Câu hỏi đặt ra, liệu sản phẩm nano mầm đậu nành Flagold của công ty TNHH Jido Pharma đã được cơ quan chức năng cấp phép về nội dung quảng cáo này hay chưa?

Không những thế, công ty này đã đăng tải hàng loạt những bài viết và video cảm nhận, lời cảm ơn của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm Nano mầm đậu nành FlaGold. Với những tiêu đề cũng như nội dung dễ gây hiểu nhầm sản phẩm Flagold là sản phẩm có khả năng chữa bệnh, một loại “thần dược” như:  Bí quyết chặn đứng thiếu hụt nội tiết tố nhờ bảo bối Nano mầm đậu nành Flagold , Áp lực cuộc sống làm suy giảm nội tiết – Bảo bối cứu vớt hạnh phúc của chị Bích 35 tuổi,.. Sản phẩm Nano mầm đậu nành FlaGold đã được cơ quan chức năng cấp phép quảng cáo như vậy hay chưa?

 

Ngoài sản phẩm Nano mầm đậu nành Flagold, sản phẩm khác do Công ty TNHH Jido Pharma phân phối cũng được chính công ty và các nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá như một “tiên dược” với tác dụng “thần kỳ”. Viên uống tăng cường sinh lực nam Spermen - Sản phẩm này được quảng cáo trên website: “Có tác dụng cân bằng nội tiết tố nam Testosterone. Sản phẩm được “cánh mày râu” tin tưởng lựa chọn nhờ giải quyết triệt để tình trạng suy giảm sinh lý, làm chậm quá trình mãn dục ở nam giới, hỗ trợ tăng cường sinh lý cho phái mạnh”. 

Công ty Jido quảng cáo TPBVSK Spermen dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

Điều khiến dư luận quan tâm là liệu các TPBVSK này có thực sự tốt như quảng cáo hay không? 

Sau khi tiếp nhận nội dung phản ánh từ phía độc giả, Phóng viên tòa soạn Thương hiệu & Công Luận đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Hán Bình Minh - người xưng là Giám đốc điều hành công ty TNHH Jido Pharma. Ông Minh chia sẻ: “Bên anh thừa nhận bên anh có sai sót trong việc thổi phồng công dụng các sản phẩm của công ty, trước đây bên anh cũng có ký hợp đồng quảng cáo với những nghệ sĩ này trong một thời gian nhưng cũng lâu rồi nên bên anh chưa tìm thấy hợp đồng đó giờ ở đâu”.

Vị giám đốc kinh doanh này cũng tỏ ra thiếu trách nhiệm khi nói về những phản ánh mà sản phẩm công ty mình đang gặp phải: “ Cũng tùy các em thôi, có gì thì anh cho nó đóng cửa lại. Bên anh cũng đang cầm cự thế thôi, chứ bên anh cũng chẳng còn gì nhiều để mất. Có gì thì anh cũng xin nghỉ bên đấy thôi chứ anh có liên quan gì bên đấy nữa đâu, cho các bác chủ doanh nghiệp muốn làm gì các bác ấy làm”.

Hiện tại theo cập nhật của phóng viên, website chính thức của công ty là https://jido.vn cũng đã không thể truy cập được nữa. Khi xảy ra vấn đề về sản phẩm của mình, những khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm của công ty TNHH Jido Pharma có phản ánh, biết tìm ai và tới đâu để được giải quyết những vấn đề này?

Theo nguồn tin của phóng viên,  là công ty “con” của công ty TNHH Đầu tư quốc tế Neva Việt Nam đang kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: Thẩm mỹ, Spa, giáo dục, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều chi nhánh trải dài từ Bắc tới Nam. Liệu với những phản ánh mà công ty TNHH Jido Pharma không chịu trách nhiệm giải quyết thì công ty TNHH Đầu tư quốc tế Neva Việt Nam có đứng ra giải đáp cho khách hàng của mình hay không? Đó là điều mà chắc hẳn rất nhiều người quan tâm. 

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi thì mức phạt đối với hành vi quảng cáo TPCN như sau:

Phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng, gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo TPCN dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, điều 70 Nghị Định 158/2013, được sủa đổi tại Nghị đinh 28/2017 đối với hành vi quảng cáo dưới hình thức bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có điều trị bệnh

Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm

Mai Anh - Trang Nguyễn